Nền tảng để xây dựng thành phố thông minh

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số ở Thủ đô Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Chuyển đổi số đã 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng' nhằm hướng tới xây dựng Thành phố thông minh và mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Chính quyền thân thiện, người dân hưởng lợi

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt người dân được hưởng lợi như tiết kiệm chi phí, thời gian trong quá trình thực hiện các nhu cầu, yêu cầu dịch vụ của đời sống xã hội.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Từ những bước triển khai cụ thể, người dân dần làm quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện dịch vụ công hành chính chỉ vài phút thay vì đợi rất lâu như trước đây. Điển hình như UBND quận Tây Hồ, 2 tháng nay, các đơn vị đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá thu phí và sử dụng “Thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt”, vận động các cơ sở kinh doanh, người dân đẩy mạnh thanh toán “không dùng tiền mặt”.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, UBND quận đã yêu cầu các điểm trông giữ phương tiện phải niêm yết giá thu phí và sử dụng “Thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt”. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức cũng như trách nhiệm trong việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

“Các điểm trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt được triển khai trên địa bàn quận đã phát huy tính ưu việt, không còn phát sinh các điểm trông giữ xe trái phép hoặc thu quá giá quy định”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định.

Cùng với đó, từ ngày 1/6, thành phố Hà Nội đã triển khai phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa”, phấn đấu bảo đảm 100% giao dịch không dùng tiền mặt, khuyến khích các đơn vị áp dụng phần mềm mã QR “động”.

Sau hơn nửa tháng thực hiện, hình thức này đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ưu điểm là cán bộ không còn phải thực hiện thao tác thu tiền, kiểm tiền, đi đổi tiền để trả lại tiền thừa cho công dân... nên tiết kiệm được thời gian cho các công việc khác. Số tiền phí, lệ phí thu được sẽ chuyển theo hệ thống ngân hàng nên rất công khai, minh bạch.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), việc thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra khá suôn sẻ. Chị Nguyễn Phương Thảo (quận Hoàn Kiếm) công chứng bằng tốt nghiệp tại trung tâm chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi thanh toán không dùng tiền mặt khi làm thủ tục hành chính tại đây và thấy rất thuận tiện, chưa đầy 10 phút đã hoàn tất”.

Một trong những giải pháp đột phá trong chuyển đổi số mà người dân Hà Nội nhận thấy chuyển biến tích cực nhất trong giải quyết thủ tục hành chính đó là việc cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hơn một năm trước, dịp sau Tết Nguyên đán 2023, nhiều người dân Thủ đô phải dậy từ 4h sáng đến Sở Tư pháp xếp hàng xin cấp phiếu.

Thời điểm đó, để đáp ứng yêu cầu của người dân, Sở Tư pháp đã bố trí thêm người tiếp nhận, xử lý phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời tăng thời gian làm việc trong ngày. Dù cán bộ đã làm cật lực, không có thời gian nghỉ, nhưng có thời điểm vẫn bị quá tải.

Để không lặp lại tình trạng trên, ngày 22/4, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội triển khai thí điểm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID cho các trường hợp công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc phiếu lý lịch tư pháp giấy. Phiếu lý lịch tư pháp điện tử sẽ mặc định được trả về tài khoản của công dân trên VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội. Từ bước thay đổi đó, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Sở Tư pháp gần đây không còn thấy cảnh người dân phải xếp hàng như một năm trước.

Sáng tạo hơn nữa để lắng nghe người dân, doanh nghiệp

Chia sẻ một số kết quả trong triển khai Đề án 06, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước. Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh trên địa bàn; tạo dữ liệu của hơn 9,2 triệu người dân với hơn 16,2 triệu lượt khám trên phần mềm hồ sơ sức khỏe Thành phố từ các nguồn dữ liệu…

Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thẻ vé điện tử trên xe buýt; triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại 57 điểm trông giữ xe, kết quả có 79,9% lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Để khuyến khích, động viên, thu hút người dân trên địa bàn Hà Nội sử dụng ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân trên địa bàn có tài khoản định danh mức độ 2 và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Trong vòng hơn 1 tháng triển khai thực hiện, đã có 8.000 lượt công dân thực hiện yêu cầu cấp lý lịch tư pháp qua VNeID, đã có 78,6% số yêu cầu cấp phiếu được thực hiện qua VNeID. Việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID là tiền đề cho việc chuyển đổi và sử dụng tài khoản VNeID mức độ 2 là tài khoản duy nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bắt đầu áp dụng từ 1/7/2024.

Từ việc thay đổi nhận thức về vai trò của cải cách hành chính, xây dựng Thành phố thông minh, các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội đã không ngừng đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Nghị quyết 18 ra đời đã thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thủ đô. Toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình.

“Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của Thủ đô. Việc chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu các Sở ngành, quận huyện”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói và tin rằng, với quyết tâm chính trị, thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô.

Một trong những hoạt động sáng tạo và nổi bật của Hà Nội trong công tác chuyển đổi số là sắp tới, UBND Thành phố sẽ tổ chức Lễ công bố vận hành một số ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn Thành phố, gồm: Công dân Thủ đô số (iHaNoi); hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội trên ứng dụng VNeID; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh.

Đáng chú ý là ứng dụng Công dân Thủ đô số iHaNoi rất được người dân kỳ vọng. iHaNoi là ứng dụng giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội. Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng cung cấp thông tin toàn diện, tạo kênh kết nối nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nen-tang-de-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-172440.html