Nền tảng để Yên Bái phát triển chính quyền điện tử
Hiện nay, Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng tỉnh (SOC) tỉnh Yên Bái, đang giám sát và bảo vệ 3.260 máy tính của các cơ quan, đơn vị; giám sát an toàn lớp mạng cho 38 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; giám sát, bảo vệ 42 ứng dụng, trang thông tin của các cơ quan, đơn vị…
Xác định được vị trí, vai trò, lợi ích của chuyển đổi số (CĐS), những năm gần đây, cùng với ban hành đồng bộ các chính sách; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực…, việc xây dựng, ứng dụng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ CĐS, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm.
Trong lễ ra mắt "Ứng dụng Trung tâm chỉ đạo điều hành và giám sát nhiệm vụ", Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh khẳng định: Đây là một công cụ hỗ trợ quản lý, theo dõi hoạt động của đơn vị, được thiết kế riêng biệt cho lãnh đạo, chuyên viên thực hiện nhiệm vụ tại huyện Văn Yên.
Hệ thống cũng được tích hợp với trục SSO dùng chung của tỉnh, cho phép người dùng đăng nhập với tài khoản, mật khẩu đã được cấp (tài khoản V-office). Phần mềm hỗ trợ quản lý và theo dõi hiệu quả hoạt động của đơn vị, đồng thời cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu để giúp lãnh đạo, chuyên viên có cái nhìn tổng quan, sâu sắc về tình hình hoạt động của đơn vị.
Ông Hà Trung Kiên - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên cho biết: Đây là ứng dụng được Phòng Văn hóa và Thông tin (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CĐS của huyện) phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ - Viễn thông ELCOM - Hà Nội nghiên cứu, xây dựng. Người dùng có thể tìm kiếm thông tin theo tiêu đề, văn bản chỉ đạo, hạn xử lý, đơn vị, trạng thái, xuất báo cáo tình trạng xử lý nhiệm vụ, chỉ tiêu theo định dạng excel...
Thời gian qua, nổi bật trong xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh là Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái”.
Từ Dự án này, Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng tỉnh (SOC) đã được duy trì hoạt động với 11 mô-đun triển khai theo mô hình bảo vệ 4 lớp giám sát, gồm: lớp mạng, lớp máy chủ, lớp ứng dụng, lớp thiết bị đầu cuối. Hiện, Trung tâm đang giám sát và bảo vệ 3.260 máy tính của các cơ quan, đơn vị; giám sát an toàn lớp mạng cho 38 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; giám sát, bảo vệ 42 ứng dụng, trang thông tin của các cơ quan, đơn vị; giám sát toàn bộ hệ thống máy chủ đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.
Cùng với Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng tỉnh, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (DC) được vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả với 130 máy chủ ảo, 50 phần mềm quản lý tại Trung tâm, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và 136/173 trang thông tin điện tử cấp xã, phường thị trấn.
Nền tảng liên thông tích hợp (LGSP) thực hiện kết nối với nền tảng liên thông, tích hợp quốc gia (NDXP) để gửi, nhận văn bản, dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh. Hiện đã kết nối, chia sẻ với 23 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương qua trục liên thông dữ liệu. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) với 425 đường truyền triển khai cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, 149 kênh truyền dẫn cho hệ thống camera giám sát đảm bảo ổn định và thông suốt…
Yên Bái đã có một số nền tảng đặc trưng phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nổi bật là nền tảng Công dân số Yên Bái (YenBai-S) giúp chính quyền cung cấp thông tin, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; giúp người dân có thể sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thuận lợi phục vụ cuộc sống và tương tác với chính quyền.
Đến nay, nền tảng YenBai-S đã được trên 300.000 người dân cài đặt và sử dụng, đạt xấp xỉ 60% dân số trưởng thành của tỉnh. Đã có gần 40 triệu lượt truy cập, tiếp nhận hơn 2.000 lượt phản ánh góp ý của người dân, doanh nghiệp. Các lĩnh vực người dân quan tâm nhiều nhất trên ứng dụng là: đất đai, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, an toàn giao thông, an ninh trật tự, môi trường.
Một ví dụ khác là nền tảng "Bàn làm việc số tỉnh Yên Bái”, đã triển khai tại 18 sở, ban, ngành, địa phương, gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp, UBND các huyện Yên Bình, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, UBND phường Minh Tân, UBND xã Âu Lâu, UBND phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc -mỹ phẩm- thực phẩm, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” có tổng số 2.586/2.623 chi bộ sử dụng (trong đó có 2.435 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 151 chi bộ cơ sở). Từ tháng 1/2024 đến tháng 5/2024, có 61,4% chi bộ ứng dụng nền tảng phục vụ sinh hoạt đảng; có 6.964 lượt đảng viên đọc bài, làm bài nghị quyết; có 12.124 lượt đảng viên truy cập, nghiên cứu văn kiện tư liệu. Hệ thống đăng nhập một lần (SSO) đã được kết nối, tích hợp với các nền tảng ứng dụng dùng chung của tỉnh với tổng số 15.000 tài khoản người dùng…
Đến nay, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cũng đã triển khai với 210 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đến Văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đoạt - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh cho biết: Các hạng mục thuộc dự án của Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh thuộc Đề án Đô thị thông minh tỉnh được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử và các hoạt động CĐS tỉnh Yên Bái.
Đến nay, hạ tầng phục vụ CĐS của Yên Bái có bước tiến vượt bậc, tạo nền móng thúc đẩy CĐS, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; gia tăng giá trị kinh tế các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân.