Nên tăng giá vé tham quan khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, song cần tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với thực tiễn

Ngày 18-7, Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội, lấy ý kiến góp ý của một số tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị quyết 'Quy định mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng phí tham quan Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn' bằng hình thức đối thoại trực tiếp với Sở Tài chính để trình HĐND TP Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp giữa năm 2024.

Ông Hồ Ngọc Phương- Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng trình bày dự thảo tờ trình tăng giá vé tham quan DTNHS.

Ông Hồ Ngọc Phương- Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng trình bày dự thảo tờ trình tăng giá vé tham quan DTNHS.

Theo ông Hồ Ngọc Phương - Phó Giám đốc sở Tài chính TP Đà Nẵng, năm 1980 Danh thắng Ngũ Hành Sơn (DTNHS) được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia. Năm 2014, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ban hành Quyết định ghi danh Nghề đá Mỹ nghệ Non Nước vào danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng DTNHS là di tích Quốc gia đặc biệt. Tiếp tục, năm 2021 Lễ hội Quán Thế Âm được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và năm 2022 Ma nhai tại Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương... Từ ngày 1-1-2017 đến nay, Ban quản lý Di tích DTNHS thực hiện thu phí tham quan theo Nghị quyết số 24 ngày 11-8-2016 của HĐND TP Đà Nẵng, cụ thể: tham quan ngọn Thủy Sơn: người lớn: 40.000 đồng/người/lượt; học sinh, sinh viên (HS-SV): 10.000 đồng/người/lượt. Điểm tham quan động Âm Phủ: người lớn: 20.000 đồng/người/lần; HS-SV: 7.000 đồng/người/lượt. Điểm tham quan phía Tây DTNHS (chùa Quán Thế Âm), năm 2015, thu 15.000 đồng/người/lượt, nhưng từ tháng 6 - 2011 tạm dừng thu vé đến nay do giải tỏa làm đường Sư Vạn Hạnh và xây dựng chùa đá Quán Thế Âm.

Cũng theo ông Hồ Ngọc Phương, qua khảo sát phí tham quan của các khu, điểm du lịch tại các địa phương lân cận và các di tích Quốc gia đặc biệt khác, nhận thấy việc thu phí tham quan tại DTNHS hiện nay còn quá thấp so với những di tích khác, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do đó, cần phải quy định mức phí mới để giá vé tương xứng với giá trị DTNHS, nhằm đảm bảo sự hoạt động bình thường của cơ quan quản lý cũng như công tác bảo tồn di sản, quảng bá di sản... Theo đó, mức thu phí tham quan Khu DTNHS được đề xuất là 80.000 đồng/người/lượt (tích hợp vé tham quan 3 điểm trong quần thể Danh thắng)…

Đóng góp ý kiến phản biện, ông Bùi Văn Tiếng - Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho rằng, việc tích hợp 3 điểm tham quan DTNHS thành 1 loại vé, bán đồng giá 80.000 đồng/người/lượt thể hiện Đà Nẵng đã hướng đi đúng trong việc quảng bá cũng như sự công bằng giữa các du khách, tránh việc phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đồng thời giúp du khách tìm hiểu đầy đủ những giá trị về văn hóa, lịch sử… của danh thắng. Cũng theo ông Tiếng, thành phố nên cân nhắc tỷ lệ để lại cho quận Ngũ Hành Sơn 20% và nộp về ngân sách thành phố 80%, nên miễn thu phí đối với học sinh các trường phổ thông trên địa bàn.

Đồng tình với đề xuất tích hợp 3 điểm tham quan DTNHS thành 1 loại vé, tuy nhiên theo ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, giá vé nên là 75 ngàn đồng/vé/người.

Ông Đặng Văn Kỳ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn lại bày tỏ quan điểm: Việc điều chỉnh tăng giá vé như đề nghị của dự thảo là hợp lý nhằm đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác duy tu, tôn tạo, sửa chữa các hạng mục cấp thiết tại Khu DTNHS. Tuy nhiên, việc gộp chung giá vé các điểm tham quan tại quần thể DTNHS thành 1 giá vé cũng bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, một số du khách hoặc người dân địa phương chỉ có nhu cầu lên chùa Quán Thế Âm để thắp hương mà cũng phải mất cả phí tham quan tất cả các điểm như vậy là không hợp lý, khoảng cách giữa các điểm du lịch tại quần thể DTNHS là khá xa... Do dó, nên gộp chung giá vé tại 2 điểm trong quần thể Danh thắng đó là vé tham quan ngọn Thủy Sơn (40.000 đồng/người/lượt) và vé tham quan động Âm Phủ (20.000 đồng/người/ lượt). Còn điểm tại Tuyến phía Tây (Động Tam Thanh-Huyền Vy-Quán Thế Âm-Tàng Thư- Bảo tàng Phật giáo- Chứng tích hang Núi Ghềnh…) đề xuất 1 vé riêng với giá 20.000 đồng/người/lượt…

Ông Bùi Văn Tiếng và ông Đặng Văn Kỳ phát biểu ý kiến phản biện.

Ông Bùi Văn Tiếng và ông Đặng Văn Kỳ phát biểu ý kiến phản biện.

Ngoài ra, nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất tăng giá vé tham quan DTNHS cũng như việc gộp mức thu phí tham quan nhằm tạo điều kiện cho du khách được tham quan tất cả các điểm và có cái nhìn toàn diện hơn về giá trị của Danh thắng cũng như tăng nguồn thu ngân sách phục vụ cho việc tôn tạo, bảo tồn di tích. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần xem xét, điều chỉnh một số vấn đề để đảm bảo tính hợp lý, công bằng và minh bạch. Cụ thể ở đây là, việc thu phí tham quan gộp sẽ gây bất lợi cho người dân địa phương. Đơn cử, người dân địa phương đến chùa Quán Thế Âm thắp nhang khấn Phật thì mua vé để làm gì? Cần có chính sách miễn phí hoặc giảm 50% cho người dân có hộ khẩu tại quận Ngũ Hành Sơn hoặc tại địa bàn Hòa Hải và mở rộng đối tượng được miễn giảm, đặc biệt là nhóm đối tượng Người có công Cách mạng...

Phát biểu ý kiến, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho rằng, việc quy định mức phí tham quan Khu DTNHS gộp chung giá vé các điểm tham quan tại quần thể danh thắng này thành 1 giá vé sẽ mang lại nhiều thuận lợi, như: du khách sẽ được tham quan tất cả các điểm du lịch trong quần thể DTNHS. Quan trọng hơn là có cái nhìn toàn diện hơn về các giá trị của di tích đặc biệt này; không gây phiền phức cho du khách, nhất là khách đi theo đoàn khi vào tham quan di tích phải mua vé tại nhiều điểm khác nhau. Đồng thời, tăng nguồn thu ngân sách để có thêm nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo, bảo đảm an ninh trật tự, phát huy giá trị di tích, tạo ra các sản phẩm du lịch mới; tương xứng, hài hòa với giá vé giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài thành phố theo mặt bằng chung của ngành du lịch hiện nay... Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp thu, tổng hợp gửi Sở Tài Chính để có những phương án về quy định mức thu cho phù hợp, nhận được sự đồng thuận của người dân, góp phần phát triển tiềm năng du lịch Khu DTNHS.

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nen-tang-gia-ve-tham-quan-khu-danh-thang-ngu-hanh-son-song-can-tinh-toan-ky-luong-cho-phu-hop-voi-thuc-tien-post298277.html