Nền tảng nâng chất lượng giáo dục
Ngày 18-8-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện đề án 'Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025'. Xác định ý nghĩa quan trọng của nội dung này, ngay từ những ngày đầu năm học 2020-2021, các trường học ở Thủ đô đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp không chỉ nhằm xây dựng nhà trường an toàn, thân thiện, mà còn tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Giáo viên Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn học sinh rửa tay sát khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Tâm
Coi trọng cả dạy chữ và dạy người
Với mục đích tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025” đề ra 5 giải pháp chủ yếu, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh… Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng...
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, việc ban hành đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc dạy người bên cạnh việc dạy chữ, trong đó có vai trò, trách nhiệm của các thành viên liên quan, từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh đến phụ huynh. Đây cũng là giải pháp căn bản để hạn chế hiện tượng bạo lực học đường và các hành vi ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh…
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) chia sẻ, một gia đình bình thường nuôi dạy 2 con đã khá vất vả, trong khi đó giáo viên chủ nhiệm phải quản lý tới 45-50 học sinh. Do đó, sự tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, trong đó có việc xây dựng văn hóa ứng xử là rất quan trọng.
Xây dựng trường học hạnh phúc gắn với thông điệp 5K
Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang trong lớp để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quang Thái
Nhận thức rõ việc xây dựng văn hóa ứng xử là nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững của trường học một cách toàn diện, mỗi đơn vị, trường học ở Thủ đô đã chủ động, tích cực cụ thể hóa các nội dung của kế hoạch bằng nhiều giải pháp phù hợp.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, để hoàn thành “mục tiêu kép” là vừa chống dịch Covid-19, vừa dạy - học chất lượng, từ năm học 2020-2021, các nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để các thành viên trong nhà trường và cả phụ huynh, khách đến trường đều hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cần trở thành thói quen, nếp ứng xử, nhằm giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Kim Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) cho hay, để xây dựng trường học hạnh phúc, cùng với các quy định chung về ứng xử, nhà trường tăng cường nhắc nhở học sinh và các thành viên trong nhà trường thực hiện các quy tắc ứng xử trong mùa dịch theo thông điệp 5K: Đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, khai báo y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc dạy, học vất vả hơn, song lại gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình. Khi việc tuân thủ quy định phòng dịch đã trở thành thói quen của học sinh, thì chính các em sẽ là những tuyên truyền viên, làm lan tỏa tới gia đình, cộng đồng…
Bên cạnh những quy định chung, các trường học ở huyện Phúc Thọ đang tập trung tạo điểm nhấn trong việc xây dựng văn hóa ứng xử của mỗi nhà giáo, học sinh và phụ huynh ngay từ cổng trường. “Với sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, hiện tượng học sinh, phụ huynh tập trung ở khu vực cổng trường vào giờ tan học giảm hẳn; ý thức chấp hành Luật Giao thông, các quy định về phòng, chống dịch có nhiều chuyển biến”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, để hoàn thành “mục tiêu kép”, năm học 2020-2021, Sở yêu cầu các nhà trường tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên về kỹ năng ứng xử, trong đó có kỹ năng ứng phó với các diễn biến bất thường của dịch; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục học sinh, đặc biệt trong trường hợp học sinh phải nghỉ học gián đoạn do dịch; giám sát việc thực hiện các quy định về kỷ cương, chuẩn mực ứng xử trong trường học và chú trọng hỗ trợ, khích lệ học sinh có ý thức rèn luyện tiến bộ… Sở sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường triển khai hiệu quả việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12…
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/977931/nen-tang-nang-chat-luong-giao-duc