Nền tảng phát huy tiềm năng, lợi thế

Với tinh thần trách nhiệm và trí tuệ, Kỳ họp chuyên đề thứ 2, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điệu kiện phát huy tiềm năng, hoạch định các chính sách phát triển chung mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, các báo cáo, tờ trình đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo; đại biểu HĐND tỉnh bằng trách nhiệm, trí tuệ đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng.

Mở ra tầm nhìn phát triển mới

Trong số các nội dung trình kỳ họp, việc thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được các đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm và kỳ vọng đây sẽ là nền tảng để phát huy tiềm năng, lợi thế, mở ra tầm nhìn mới cho tỉnh trong tiến trình phát triển cùng cả nước. Theo các đại biểu, tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra về quy hoạch tỉnh đã được các cơ quan liên quan nghiên cứu công phu, đầy đủ, nghiêm túc.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp

Đại biểu Lưu Quang Huy (huyện Hạ Hòa) nhất trí với 4 quan điểm phát triển của quy hoạch tỉnh đã đề ra. Đồng thời, đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp cận đô thị; hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại của vùng; quy hoạch, sắp xếp hợp lý không gian phát triển đô thị và nông thôn gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để Phú Thọ là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn, thịnh vượng.

Đại biểu cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc khuyến khích liên kết không gian du lịch vùng, kết nối hình thành các tuyến, tour du lịch liên vùng và khai thác tối đa lợi thế của tỉnh; xem xét bổ sung đưa vào quy hoạch: Cụm công nghiệp Đồng Phì 2 và Cụm công nghiệp Bắc Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa), đầu tư xây dựng cầu Hạ Hòa 2 qua sông Hồng; tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn 1.435mm Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, các tuyến mới kết nối giao thông liên vùng...

Đối với 8 nhóm giải pháp đã đề ra, đại biểu dành sự quan tâm hơn cả đối với nhóm các giải pháp huy động vốn đầu tư và bảo vệ môi trường. Trong đó, nguồn vốn đầu tư là yếu tố quyết định việc thực hiện đạt mục tiêu của quy hoạch trong bối cảnh nội lực của tỉnh còn hạn chế, rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. "Do đó, tỉnh cần xác định rõ nhu cầu vốn đầu tư và chủ động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư mạnh, có kinh nghiệm và uy tín ở từng lĩnh vực", đại biểu Lưu Quang Huy đề nghị.

Cũng dành sự quan tâm đến quy hoạch tỉnh, đại biểu Trần Quang Tuấn (thị xã Phú Thọ) cho rằng, một số nội dung định hướng trong quy hoạch tỉnh cần nghiên cứu, điều chỉnh lại theo hướng mở. Đồng thời, đề nghị tỉnh nghiên cứu, bổ sung thêm các điểm khai thác đất san lấp, đắp nền cho phù hợp. Bởi, thực tế hiện nay nhu cầu sử dụng đất đắp nền cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông và phát triển nhà ở rất lớn; chi phí vận chuyển lớn, cự ly xa sẽ làm tăng vốn đầu tư xây dựng và ảnh hưởng xấu đến hạ tầng giao thông do hoạt động vận chuyển gây ra…

Tạo động lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Thảo luận về việc hỗ trợ kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Thị Tố Uyên (huyện Phù Ninh) cho rằng: các nội dung và định mức dự thảo nghị quyết đưa ra mang tính toàn diện, tập trung vào những lĩnh vực đang được quan tâm nhằm hỗ trợ phát triển các vùng nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các định mức phân bổ đã khẳng định được sự quan tâm của tỉnh trong công tác xây dựng NTM; bảo đảm các quy định hiện hành về đầu tư công, quản lý NSNN và các quy định khác liên quan, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho các địa phương sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và củng cố, duy trì các tiêu chí đã đạt được trong thời gian qua.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Kim Chi (huyện Thanh Ba) khẳng định, việc ban hành nghị quyết về nội dung này thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt đối với những huyện đang trên lộ trình về đích NTM trong những năm tới. Đồng thời, đề nghị cần khuyến khích đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của các thiết chế văn hóa, phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia của quần chúng nhân dân; thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để người dân phát huy và khẳng định vai trò chủ thể trong việc vận hành các thiết chế văn hóa ở cơ sở...

Đại biểu cũng đề nghị, cần giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm huy động sự tham gia về sức người, đóng góp về sức của, khơi dậy mọi tiềm năng của các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, các cấp và tổ chức liên quan, cộng đồng làng xã, cá nhân nhằm tạo đồng thuận của cộng đồng, dòng họ, gia đình và các chủ thể văn hóa để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM.

BẢO TRÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/nen-tang%C2%A0phat-huy%C2%A0tiem-nang-loi-the-i323221/