Nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ vừa có chuyến thăm, đánh giá tác động dự án nông thôn miền núi 'Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột mì tại tỉnh Bình Phước' tại Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sạch ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng.

Ông Hà Thanh Thuẫn, Giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sạch cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai dự án (từ tháng 1-2017 đến tháng 9-2020), công ty đã xây dựng xưởng sản xuất dịch men với 8 chủng vi sinh vật, khối lượng 18 ngàn lít; xây dựng xí nghiệp sản xuất phân bón sinh học hơn 1.400 tấn/năm; xây dựng 5 mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil cho 5 loại cây trồng chủ lực của địa phương; xây dựng 2 kiểu dáng công nghiệp hàng hóa; tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở làm chủ công nghệ sản xuất… và mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề hướng dẫn sử dụng phân bón vi sinh cho nông dân. Hiện công ty đã làm chủ được công nghệ quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo dự án đề ra.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Thị Minh Thúy tham quan vườn mít được chăm sóc bằng phân hữu cơ vi sinh Hudavil

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Thị Minh Thúy tham quan vườn mít được chăm sóc bằng phân hữu cơ vi sinh Hudavil

Việc đầu tư xây dựng, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột mì tại Bình Phước có giá thành rẻ hơn so với các loại phân hữu cơ vi sinh cùng loại, nhưng chất lượng lại không thua kém. Các hộ dân tham gia dự án, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil cho các cây trồng chủ lực, kết quả theo dõi cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu trái, năng suất và lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp so với các niên vụ trước khi tham gia tăng cao.

“Địa phương có 2 mô hình được thụ hưởng dự án. Năm đầu bà con đăng ký sử dụng 80 tấn phân hữu cơ vi sinh Hudavil, năm thứ 2 sử dụng 150 tấn, năm thứ 3 sử dụng 250 tấn. Sau khi sử dụng, bà con đều cho rằng, năng suất của cây trồng năm sau luôn cao hơn năm trước và đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm phân bón này. Cụ thể, đối với cây cao su, hàm lượng mủ tăng 20-30%. Với cây điều, năng suất đạt từ 1,4 tấn/ha đến 2,6 tấn/ha. Cây ăn trái, trong đó có cây mít sinh trưởng và phát triển tốt” - ông Ninh Quốc Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bù Nho cho biết.

Ông Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Phú, đơn vị thụ hưởng dự án chia sẻ: Qua 2 năm sử dụng phân bón của dự án để chăm sóc cây điều, kết quả rất khả quan, vườn điều xanh tốt, cây chắc khỏe, ra chồi, bông lớn và không có dấu hiệu của các loại bệnh như nhiều vườn điều khác trên địa bàn. Hạt điều cũng đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong chế biến sâu của doanh nghiệp.

Bình Phước có khoảng 449.568 ha đất đang canh tác, tương đương cần 449.568 tấn phân hữu cơ vi sinh mỗi năm. Trong khi các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20.000 tấn/năm, như vậy lượng phân hữu cơ vi sinh còn thiếu khoảng 400-500 ngàn tấn/năm. Dự án thành công đã giúp tỉnh khắc phục sự thiếu hụt nguồn phân hữu cơ, cải tạo đất, phục hồi vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng.

Thạc sĩ Trịnh Kiều Dung, Chủ nhiệm dự án

Theo kế hoạch, thời gian tới, Trung tâm Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil đến từng xã, chi hội nghề nghiệp trong toàn tỉnh. Đồng thời tổ chức hội thảo để tuyên truyền, phổ biến cũng như hỗ trợ từ 30-50% giá phân bón cho những hộ dân tiếp tục tham gia mô hình thụ hưởng.

Bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao vai trò của dự án mang lại. Đó là vừa giúp tỉnh có thêm sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững vừa giảm ô nhiễm môi trường do chất thải của các nhà máy chế biến tinh bột mì gây ra. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Thị Minh Thúy cũng đề nghị, thời gian tới, Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sạch đẩy mạnh hơn nữa công suất, tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm để bà con nông dân biết sử dụng. Đặc biệt trên các bao bì cần in rõ sản phẩm khoa học công nghệ thuộc dự án nông thôn miền núi đã được nghiệm thu, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng, tạo niềm tin với bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/132356/nen-tang-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung