Nền tảng quan trọng để TPHCM thực hiện các chính sách đặc thù

Tròn một năm kể từ khi Nghị quyết 98/2023/QH15, TPHCM đã cụ thể hóa nhiều cơ chế, chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Kể từ khi Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) có hiệu lực (ngày 1-8-2023), TPHCM đã cụ thể hóa nhiều cơ chế, chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Những kết quả bước đầu còn tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.

Tuyến metro số 1 đoạn qua Bến xe Miền Đông mới, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hoàn thiện tổ chức bộ máy

Cuối tháng 7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã trao quyết định của Chủ tịch UBND TPHCM phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Tuấn Tài, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nhà Bè. Theo Nghị quyết 98, UBND TP Thủ Đức và HĐND TP Thủ Đức, UBND huyện thuộc TPHCM được bổ sung 1 phó chủ tịch.

Việc bầu bổ sung ông Nguyễn Tuấn Tài làm Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nhằm hoàn thiện bộ máy chính quyền huyện Nhà Bè, được thực hiện theo Nghị quyết 98. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt là công tác chuẩn bị nhiệm kỳ mới, việc chuẩn bị xây dựng huyện Nhà Bè thành thành phố thuộc TPHCM...

Cùng với huyện Nhà Bè, thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tăng thêm 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND cho TP Thủ Đức; tăng 1 phó chủ tịch UBND cho huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn và 51/52 phó chủ tịch UBND ở 51/52 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 người trở lên.

Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng được thành lập và hoạt động từ ngày 1-1-2024 giúp TPHCM thống nhất đầu mối quản lý trong công tác an toàn thực phẩm trên các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công thương. UBND TPHCM đánh giá, từ khi Sở An toàn thực phẩm đi vào hoạt động, việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm được thuận lợi và hiệu quả hơn trước đây. Kết quả hoạt động của sở cũng sẽ là cơ sở để TPHCM đề xuất, báo cáo Trung ương hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Từ Nghị quyết 98, bộ máy chính quyền TP Thủ Đức cũng cơ bản hoàn thiện với việc thành lập Ban Đô thị HĐND TP Thủ Đức, Thanh tra Xây dựng; thí điểm thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm An sinh xã hội.

Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, thực hiện Nghị quyết 98, TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, xây dựng lại cơ cấu các phòng ban, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền đô thị, đáp ứng năng lực quản trị. Đây là tiền đề quan trọng để TP Thủ Đức tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế mà Nghị quyết 98 mang lại để phát triển thành phố theo định hướng mới.

Nâng chất lượng cuộc sống người dân

Cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy từ thành phố đến phường, xã, thị trấn, một năm qua, TPHCM vận dụng các chính sách đặc thù để ưu tiên bố trí ngân sách, hỗ trợ hàng chục ngàn người tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao cuộc sống của người dân.

Vừa pha chế vừa bưng nước phục vụ khách hàng tại quán nước nhỏ trước nhà, bà Lê Thị Hiếu (phường An Phú Đông, quận 12) cho biết, gia đình bà đã thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12. Đây là nguồn vốn được UBND TPHCM ủy thác để cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm theo cơ chế của Nghị quyết 98.

Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, sau dịch Covid-19 kinh tế càng khó khăn hơn. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, chính quyền địa phương vận động bà chuyển nghề và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. “Được vay vốn ưu đãi, tôi mở quán nước, thu nhập ổn định, có thể lo cho hai con ăn học và mỗi ngày tích lũy được một khoản nhỏ để dự phòng”, bà Hiếu chia sẻ.

Cũng như bà Hiếu, trong một năm thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đã giải ngân 3.794 tỷ đồng cho gần 52.000 lượt người dân vay vốn ưu đãi hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Điều quan trọng từ chính sách này mang lại là còn góp phần gia tăng tiêu dùng và tích lũy thu nhập, tăng nguồn vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chỉ số phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.

Công chức quận 12, TPHCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Cũng với cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98, TPHCM chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan hành chính. Cụ thể, thành phố chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ với cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Đồng thời, chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa 3 triệu đồng/biên chế có mặt/tháng đối với một số cơ quan trung ương trên địa bàn TPHCM.

Theo tính toán, trong năm 2024, TPHCM sẽ chi gần 14.370 tỷ đồng thực hiện chính sách này. Trong đó, mỗi quý I, quý II chi hơn 3.123 tỷ đồng và các quý III, quý IV căn cứ theo mức lương cơ sở mới (2,34 triệu đồng) để chi thu nhập tăng thêm.

UBND TPHCM đánh giá, việc bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tăng thu nhập đã tạo động lực to lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của TPHCM. Kết quả cũng khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước.

NGÔ BÌNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nen-tang-quan-trong-de-tphcm-thuc-hien-cac-chinh-sach-dac-thu-post116008.html