Nền tảng thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và lưu thông hàng hóa

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế Việt - Trung đã tích cực triển khai các hoạt động giao lưu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, làm nền tảng cho các hoạt động thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, lưu thông hàng hóa, góp phần phục hồi nền kinh tế sau Covid-19...

Tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) ngày 13/11, thay mặt các địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo kết quả thực hiện Biên bản Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt -Trung lần thứ IX.

Tăng cường tình hữu nghị và sự tin cậy giữa các bên

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế Việt - Trung vẫn tích cực triển khai các hoạt động giao lưu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; qua đó tăng cường tình hữu nghị và sự tin cậy giữa các bên, làm nền tảng cho các hoạt động thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, lưu thông hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo kết quả thực hiện Biên bản Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt -Trung lần thứ IX.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo kết quả thực hiện Biên bản Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt -Trung lần thứ IX.

Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã tích cực phối hợp thúc đẩy triển khai các hạ tầng giao thông kết nối quan trọng trong hành lang kinh tế và cả nước như: Cầu biên giới Bản Vược, kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc; đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tổ chức chạy thí điểm Tuyến vận tải hành khách, hàng hóa Côn Minh - Cửa khẩu Hà Khẩu - Cửa khẩu Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; phê duyệt bổ sung Danh mục tuyến vận tải cố định liên tỉnh Lào Cai - Hà Nội... tiếp tục phát huy vai trò của cơ chế hội đàm vận tải đường bộ quốc tế giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Đồng thời, hợp tác tiếp tục thúc đẩy mở các cặp cửa khẩu song phương tại Mường Khương và Bản Vược; phối hợp đấy nhanh tiến độ xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc) và hình thành cặp chợ biên giới tại khu vực này.

Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác hành lang kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các biện pháp thúc đẩy tiêu chuẩn hóa thương mại và tạo điều kiện công bằng cho các doanh nghiệp cả hai nước đã giúp tăng cường sự hợp tác kinh doanh. Tổ chức một số hoạt động gắn kết, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có các tỉnh trong Hành lang kinh tế.

Toàn cảnh phiên toàn thể Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).

Toàn cảnh phiên toàn thể Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).

Trong lĩnh vực du lịch, hai bên phối hợp đẩy mạnh công tác kết nối, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch; thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn về các giải pháp phát triển du lịch bền vững; tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch thông qua Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung, Hội chợ du lịch quốc tế Côn Minh... Các tỉnh, thành phố đã cùng tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động lại tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”.

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế cũng có những kết quả đáng ghi nhận trong việc tỉnh Vân Nam tổ chức bồi dưỡng học tiếng Trung cho cán bộ, tạo điều kiện học tập cho lưu học sinh phía Việt Nam; đặc biệt, chính quyền tỉnh Vân Nam đã tặng các thiết bị y tế để phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương phía Việt Nam

“Việc thiết lập cơ chế hợp tác chính thức giữa 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc là một trong những sáng kiến tạo tiền đề và cơ sở cho các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác đa dạng và phong phú giữa các địa phương”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng

Tại Hội nghị này, thành phố Hà Nội mong muốn 5 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác hiệu quả trong thời gian tới cũng như mở rộng thêm các đối tác, địa phương trên tuyến hành lang như tỉnh Yên Bái.

Để hình thức hợp tác giữa 5 tỉnh, thành phố phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp trong thời gian tới, dự kiến một số chương trình hợp tác Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt Trung lần thứ X được tiếp tục như: Sở Công thương các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội hợp tác với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam trong việc tăng cường trao đổi thông tin, kết nối các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của địa phương; cùng tham gia các Hội chợ thương mại tổ chức thường niên của mỗi bên để mở rộng, tìm kiếm, xúc tiến thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai bên.

Thành phố Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì tổ chức Hội nghị cấp cao giữa 5 tỉnh, thành phố luân phiên; đẩy mạnh hoạt động hợp tác của các nhóm, các cặp trong các lĩnh vực có thế mạnh; tích cực trao đổi, cung cấp thông tin và đôn đốc thực hiện các nội dung hợp tác.

Đại diện địa phương phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện địa phương phát biểu tại Hội nghị.

Xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không ngừng mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông vận tải, văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế…

Các địa phương cùng đề nghị Chính phủ hai nước quan tâm sớm triển khai và đưa vào vận hành các tuyến vận tải liên quan đến toàn tuyến của hành lang, đặc biệt là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nhằm nâng cao năng lực vận tải trao đổi hàng hóa. Đẩy mạnh hợp tác vận tải hành khách đường bộ quốc tế.

Tăng cường cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên trao đổi, ký kết hợp tác, thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch; tiếp tục hỗ trợ hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP; xây dựng tuyến điểm du lịch hấp dẫn, khai thác tối đa giá trị của di sản, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách; Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thủ tục về xuất nhập cảnh, đầu tư nâng cấp điểm đến, hỗ trợ khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác. Đẩy mạnh trao đổi việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Đồng thời đẩy mạnh mở rộng hợp tác tới cấp cơ sở; tích cực lan tỏa ảnh hưởng của Hành lang kinh tế tới các địa phương. Chính quyền mỗi tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các sở, ban, ngành, quận, huyện thường xuyên gặp gỡ trao đổi công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn…

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nen-tang-thuc-day-giao-luu-kinh-te-thuong-mai-va-luu-thong-hang-hoa-162671.html