Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng
Từ khi thành lập đến nay, Đảng đã trải qua 13 kỳ đại hội. Trong văn kiện của các kỳ đại hội, Đảng ta đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam, đó là: 'Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh'.
Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Gắn chặt chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Và Người cho rằng: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Chính Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước và xúc tiến chuẩn bị các tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền trên toàn quốc, lập nên Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng chính Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, lãnh đạo nhân dân ta trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Bằng trí tuệ thiên tài và thông qua thực tiễn hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu chọn lọc, vận dụng sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và giải quyết thành công những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam; góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều lĩnh vực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu từ người yêu nước trở thành người cộng sản và đã tìm được con đường để cứu nước, giải phóng dân tộc đó là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội".
Người nói: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Qua đó cho thấy, nguồn gốc lý luận và hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin. Phải khẳng định rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Có thể nói, về bản chất khoa học và cách mạng thì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, cho nên ở cách mạng Việt Nam không thể tách rời mối quan hệ hữu cơ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết, móc nối hình thành các hội, nhóm, thiết lập hàng nghìn trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, các fanpage của tổ chức Việt Tân và một số hãng truyền thông ở nước ngoài... để phát động các chiến dịch, tung “hỏa mù” với hàng trăm bài viết, bài phỏng vấn, thư ngỏ, bản tuyên bố, bằng các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, bình luận thâm độc, xuyên tạc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng ta. Phương thức và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhất là khoác áo “khách quan khoa học”, đội lốt “phản biện xã hội” để ngụy tuyên truyền, đánh tráo học thuật, xảo biện các vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch.
Trước hết, phải khẳng định rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Người đã nắm được bản chất cốt lõi, “linh hồn sống” trong tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin là phép biện chứng duy vật. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nằm trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Những biểu hiện tư tưởng cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách “ra vẻ” đề cao hoặc “nâng tầm” tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần và kiên định quan điểm: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta, dân tộc ta trên con đường xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; phát triển và vận dụng sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên tắc quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.