Nền tảng vững chắc cho năm bản lề 2018

Năm 2017, với quyết tâm, nỗ lực cao cùng nhiều giải pháp đột phá, kinh tế - xã hội của Thủ đô đã thu được kết quả khá toàn diện, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5%, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đây là nền tảng vững chắc để thành phố bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016-2020) với chủ đề 'Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị' .

Những điểm sáng tích cực

Kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2017 của Thủ đô đạt kết quả khá toàn diện. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, tất cả các chỉ tiêu phát triển KT-XH dự kiến đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 101,4%, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016, vượt 1,4% dự toán. Sáu chỉ tiêu KT-XH vượt kế hoạch gồm: kim ngạch xuất khẩu, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn đã được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Trong năm 2017, thành phố đã phát triển được hơn 25 nghìn doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2016, là mức tăng cao so với những năm trước. Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng tại Hà Nội đạt xấp xỉ 100%, trong khi con số này của cả nước đạt 45%. Kết quả này cho thấy, Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước về tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng.

Cùng với đó, nhờ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới, thành phố có thêm hai huyện Thanh Trì, Hoài Đức và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 73,8%.

Phát triển cần tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, những kết quả mà thành phố Hà Nội đạt được năm 2017 là khả quan. Song với vị thế và lợi thế của Thủ đô, kinh tế của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thật sự bền vững. Theo Vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Kinh tế Trung ương) Vũ Trọng Bình, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ hơn về quy hoạch để thu hút đầu tư, định hình các mô hình phát triển nông nghiệp ven đô. Trong lĩnh vực công nghiệp, cũng giống như nhiều địa phương khác, thành phố đang chững lại với sự "bối rối" trong mô hình phát triển. Hà Nội phải có chính sách để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, đi đầu trong liên kết với các tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm để xây dựng mô hình tăng trưởng đổi mới.

Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng đề xuất: Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian tới thành phố cần đổi mới trong công tác kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đối với các đơn vị kinh doanh của khối thương mại, công nghiệp và sớm xử lý các vấn đề về thuế. Nếu quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ bớt đi, góp phần đạt chỉ tiêu của thành phố về phát triển KT-XH.

Với những trọng trách nặng nề của một trong hai đầu tàu kinh tế của Thủ đô, năm 2018 được xem là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), thành phố Hà Nội chọn là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ”. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là phạm vi rất rộng, bao trùm tất cả các chủ thể trong bộ máy quản lý. Các cấp ủy, chính quyền cần tập trung xử lý những bất cập tồn tại nhiều năm qua như: tình trạng nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý quy hoạch, kiến trúc và các vấn đề liên quan môi trường. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư. Làm tốt công tác quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị, “phủ kín” quy hoạch và quản lý đúng theo quy hoạch. Tăng cường quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Những kết quả toàn diện trong năm 2017 là tiền đề vững chắc để Hà Nội bước vào năm bản lề 2018. Với mức tăng trưởng phấn đấu đạt từ 7,3 đến 7,8%, có thể thấy nhiệm vụ đặt ra cho thành phố trong năm tới là hết sức nặng nề, đòi hỏi tinh thần nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với các giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34800602-nen-tang-vung-chac-cho-nam-ban-le-2018.html