Nên tạo điều kiện hình thành 'thị trường giám định'
Thi hành Luật Giám định tư pháp (GĐTP), đến nay cả nước mới chỉ có 1 Văn phòng giám định được thành lập tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động rất khó khăn. Vì sao có tình trạng này?
Văn phòng lập ra không đủ việc
Văn phòng GĐTP là loại hình tổ chức GĐTP mới theo mô hình xã hội hóa được thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 do giám định viên tư pháp đủ điều kiện thành lập hoạt động. Điều 14 Luật GĐTP quy định cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ mới có 01 Văn phòng GĐTP Sài Gòn được thành lập ở lĩnh vực tài chính tại TP Hồ Chí Minh nhưng hoạt động cũng rất hạn chế, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc dù trong thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động GĐTP trên địa bàn nên 1 giám định viên trong lĩnh vực ngân hàng đã nghỉ hưu có hồ sơ đề nghị UBND TP cho phép thành lập Văn phòng GĐTP trong lĩnh vực ngân hàng nhưng do thiếu sự liên thông, đồng bộ giữa quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, giám định viên tư pháp, thẩm quyền quản lý nhà nước với điều kiện, thủ tục thành lập Văn phòng GĐTP nên việc lập Văn phòng này đang gặp khó khăn.
Đặc biệt, theo báo cáo đánh giá của các địa phương và Bộ, ngành liên quan thì nhu cầu giám định ở những lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng GĐTP có tăng về số lượng nhưng chưa thật sự lớn, chưa thường xuyên, chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nên không đủ việc cho Văn phòng hoạt động theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu của người tham gia tố tụng. Trong khi đó, lĩnh vực giám định có nhu cầu lớn, thường xuyên, cần cho phép thành lập Văn phòng GĐTP như giám định tài liệu, ADN, số khung, số máy... thì không thuộc phạm vi lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng GĐTP nên chủ trương xã hội hóa GĐTP còn hạn chế, chưa thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế.
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, phạm vi xã hội hóa, cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ở một số lĩnh vực còn hạn hẹp, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, quy luật cung - cầu của thị trường dịch vụ chuyên môn và hoạt động tố tụng, xã hội; Chưa thể huy động, thu hút được các tổ chức, nhà chuyên môn tham gia hoạt động GĐTP do chưa có được chế độ, chính sách ưu đãi thỏa đáng, đủ mạnh, quyền lợi của người GĐTP, tổ chức GĐTP thực hiện giám định chưa được bảo đảm, chi trả đầy đủ, kịp thời; Các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có tâm lý muốn trưng cầu giám định các cơ quan, đơn vị nhà nước hơn là các tổ chức, cá nhân chuyên môn ở khu vực ngoài nhà nước.
Mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động GĐTP
Theo phân tích của UBND TP Hồ Chí Minh, phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng GĐTP còn hẹp; điều kiện thành lập Văn phòng GĐTP còn bất cập (không cho phép giám định viên tư pháp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thành lập Văn phòng; trong đó quy định giám định viên tư pháp nghỉ hưu, nghỉ việc thì thuộc trường hợp miễn nhiệm; các giám định viên này có nhu cầu thành lập Văn phòng phải thực hiện thủ tục bổ nhiệm lại giám định viên tư pháp), có lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng nhưng lại không có cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ thành lập trình UBND cấp tỉnh quyết định (ví dụ như lĩnh vực ngân hàng).
Vì thế, TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thành lập Văn phòng GĐTP. Không miễn nhiệm giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, nghỉ việc còn đủ điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động GĐTP.
Sở Tư pháp Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật GĐTP theo hướng khuyến khích thành lập Văn phòng GĐTP cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương và từng lĩnh vực giám định.
Đại diện VKSNDTC thì đề xuất cùng với việc rà soát hoàn thiện, sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động GĐTP thì cũng cần tăng cường các biện pháp khuyến khích xã hội hóa; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động GĐTP theo hướng cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ở một số lĩnh vực, chuyên ngành GĐTP thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên.
Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, để thực hiện xã hội hóa hoạt động tư pháp thì phải cần một số điều kiện, trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan nhằm mở rộng đối tượng yêu cầu giám định, tạo điều kiện hình thành “thị trường giám định” tạo nguồn việc, khả năng trang trải tài chính cho tổ chức GĐTP ngoài công lập. Trong đó cần mở rộng phạm vi, lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực có nhu cầu lớn, thường xuyên và xã hội có thể thực hiện được; quy định đầy đủ, toàn diện hơn các chế độ, chính sách bảo đảm thu hút, huy động cá nhân, tổ chức chuyên môn cho hoạt động GĐTP ở các lĩnh vực.