Nên tính xây mới nếu sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh quá tốn kém

Thông số đo đạc độ võng của cầu Nguyễn Hữu Cảnh vượt quá giới hạn rất nhiều so với thiết kế. Chuyên gia nhận định điều này có thể ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình.

Trong báo cáo kết quả cuộc khảo sát gần nhất về ảnh hưởng của sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, độ võng lớn nhất tại nhịp dầm chính công trình lớn hơn độ võng cho phép đến 7,2 cm, chuyển vị ngang cũng vượt quá thiết kế 3,8 cm khi xê dịch 7,2 đơn vị tương ứng.

Sự xê dịch kết cấu này xảy ra sau gần một năm, kể từ khi cáp dự ứng lực ngầm căng giữ 2 mố cầu bị cắt đứt.

Độ võng vượt gần gấp đôi mức cho phép

Đánh giá chi tiết về kết quả đo đạc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết độ võng mặt cầu nhịp chính tại vị trí biên phải là 22, 2 cm, tim cầu là 17,4 cm và biên trái là 18,6 cm.

Sau 20 năm đưa vào khai thác, cầu Nguyễn Hữu Cảnh trải qua kỳ duy tu, sửa chữa gần nhất cách đây 5 năm. Đến nay, tổng độ võng đã thay đổi từ 17,4 cm tăng lên hơn 22 cm. Với độ võng này, mố cầu tại nhịp chính công trình đã chuyển vị ngang tương ứng 7,2 cm - vượt gần gấp đôi chuyển vị cho phép là 3,8 cm.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn còn phát hiện khe hở giữa đầu nhịp chính và đầu nhịp dầm thay vì sát nhau hiện đã tách ra khỏi gối cầu.

Người dân chạy ngược chiều để thoát kẹt xe khu cầu Nguyễn Hữu Cảnh Ùn ứ kéo dài quanh khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sáng 3/10, nhiều người phải chạy xe ngược chiều hướng về khu dân cư Vinhomes (quận Bình Thạnh) để vào trung tâm TP.HCM.

Quá trình rà soát khu vực ngầm trước đó, đơn vị quản lý phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực của cầu này đã bị cắt đứt ở độ sâu 1,8 m dưới lòng đất. Trong mỗi bó cáp này có 7 tao cáp, mỗi tao có đường kính 15,2 mm, được đặt trong ống nhôm đường kính 60 mm.

Tại vị trí bó cáp bị cắt, cơ quan chuyên môn cũng tìm thấy một cống hộp 2 m x 2 m của hệ thống thoát nước (thuộc dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, hoàn thành hồi tháng 3/2021) nằm giao cắt. Điều này khiến các chuyên gia trong lĩnh vực Cầu đường nhận định sự cố đã xảy ra ít nhất gần một năm.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Căn cứ vào các chỉ số đo đạc được, một chuyên gia là giảng viên bộ môn cầu đường, đánh giá kết cấu công trình đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi chịu tác động sự cố, sức khỏe của công trình cũng là yếu tố được xem xét. "Trong trường hợp này, cầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng là một cây cầu khỏe. Tuy nhiên sự cố chắc chắn làm ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình", chuyên gia nhận định.

Dù vậy, chỉ số về độ võng, chuyển vị kể trên chỉ là kết quả đo đạc ban đầu. Để đưa ra thông số khoa học, đơn vị đo sẽ cần ít nhất một tuần nữa để hoàn thành.

Theo vị chuyên gia, cầu Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những thiết kế hiếm tại TP.HCM. "Dù là những người kỹ sư cũng khó tưởng tượng cây cầu này có cáp dưới lòng đất, trừ khi được tham khảo bản vẽ để lại. Đến khi cầu bị võng, phải lục lại bản vẽ cũ mới phát hiện ra", ông chia sẻ.

 Cáp dự ứng lực (màu đỏ) bị cắt, với cống hộp (màu xanh) chắn ngang gây chuyển vị hai mố cầu nhịp chính. Ảnh: TCIP.

Cáp dự ứng lực (màu đỏ) bị cắt, với cống hộp (màu xanh) chắn ngang gây chuyển vị hai mố cầu nhịp chính. Ảnh: TCIP.

Có nhận định tương tự, một giảng viên khác dạy bộ môn cầu đường ở trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho biết cầu Nguyễn Hữu Cảnh có kết cấu cầu vòm. Khi các bó cáp bị đứt, lực giữ chân vòm giảm đi, khiến 2 chân vòm của cầu dịch chuyển. Điều này dẫn đến mặt cầu và dầm trên bị võng, chuyển vị đi xuống.

Để đưa ra phương án khắc phục, giới chuyên môn sẽ cần lựa chọn và cân nhắc giữa rất nhiều về vấn đề về tuổi thọ, thời gian thi công, chi phí và các yếu tố khác.

"Trong trường hợp chi phí sửa chữa quá tốn kém, gần hoặc bằng chi phí xây mới, có thể chúng ta nên tính đến chuyện xây mới cầu", chuyên gia đặt giả thiết.

Đến nay, phương án khắc phục sự cố vẫn chưa được chốt lại. Trong thời gian này, TCIP đề xuất dùng các cáp dự ứng lực tạm để căng giữ hai bệ trụ của nhịp chính cầu vượt; đồng thời sử dụng hệ giàn giáo chống đỡ nhịp chính, đặt trên mặt đường sau khi rải các tấm tôn để phân bố lực lên mặt đường.

Từ đó, cơ quan chuyên môn sẽ theo dõi mức độ chuyển vị hệ dầm, khung chống sau khi đã chống đỡ nhịp cầu chính. Cơ quan này cũng sẽ khảo sát, hoàn chỉnh phương án để thẩm định, phê duyệt, thi công khôi phục kết cấu công trình.

 Sự cố khiến kết cấu dầm, mặt cầu chuyển vị đi xuống. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sự cố khiến kết cấu dầm, mặt cầu chuyển vị đi xuống. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tại nhịp chính dài 55,5 m được phát hiện sau khi Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) khảo sát công trình vào giữa tháng 9.

Vị trí bó cáp bị cắt giao cắt với cống hộp 2 m x 2 m của hệ thống thoát nước, thuộc dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, hoàn thành hồi tháng 3/2021. Tác động sự cố làm võng mặt cầu nhịp chính 22,2 cm bên phải, 17 cm ở tim và 18,6 cm bên trái - lớn hơn độ võng cho phép và tính toán chuyển vị ngang cho phép là 7,2 cm.

Cầu có tổng chiều dài hơn 618 m, rộng 13 m, gồm một nhịp chính và 2 đoạn cầu dẫn. Kết cấu nhịp chính có khung bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 4 khung dầm, khoảng cách giữa 2 dầm là 3,2 m. Tải trọng theo thiết kế là không hạn chế.

 Lộ trình thay thế khi cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đóng. Đồ họa: Minh Trí.

Lộ trình thay thế khi cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đóng. Đồ họa: Minh Trí.

Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nen-tinh-xay-moi-neu-sua-chua-cau-vuot-nguyen-huu-canh-qua-ton-kem-post1362115.html