Neo giữ ký ức về cội nguồn

Gắn với truyền thuyết về Quốc Tổ Lạc Long Quân và dấu mốc quan trọng thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc, đình (đền) Nội Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội, được coi là nơi truyền lưu ký ức về nguồn cội và là niềm tự hào của người Việt Nam về tổ tiên của mình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, di tích xứng đáng được nghiên cứu, đề nghị công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Từ buổi xưa dựng ấp, lập làng...

“Là người con quê hương trong dòng họ Nguyễn Văn Đại Trạch làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, từ nhỏ, tôi đã được cha ông truyền miệng về quê hương là một miền đất cổ, hình thành và phát triển từ thời Đức Thánh Tổ Lạc Long Quân dựng ấp, lập làng, xây dựng đại bản doanh vừa là quan ngoại cho vua Hùng ở nơi đây” - ông Nguyễn Ngọc Khoa, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đình (đền) Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội” sáng 29.6.

Đình (Đền) Nội Bình Đà. Ảnh: Ng. Phương

Đình (Đền) Nội Bình Đà. Ảnh: Ng. Phương

Vùng đất cổ Bình Đà đậm đặc di sản văn hóa. Trong đó, in sâu trong tâm thức của các thế hệ người dân Bình Đà là các di sản văn hóa liên quan đến thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc, về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính huyền thoại, vừa đậm chất văn hóa, vừa có ý nghĩa đạo lý - tâm linh.

Truyền thuyết kể lại rằng, Lạc Long Quân cùng 50 người con trai trên đường xuống biển, đến vùng đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay) thấy phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ, liền quyết định chọn nơi này để xây dựng cơ nghiệp, dạy dân khai khẩn đất hoang, lấn biển, trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tăm, dệt vải... làm cho vùng quê ngày càng trù phú, đông vui. Khi Đức Quốc Tổ về trời, ngài được an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà. Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng lập đình (đền) Nội. Suốt 6 thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ. Đã có 16 hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai quốc thần” được lưu giữ tại đình (đền) Nội và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Đình (đền) Nội Bình Đà có nguồn gốc từ xa xưa, được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1985. Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật như thần phả, sắc phong, bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối đồ tế tự (bộ kiệu bát cống sơn thếp vàng son thiếp vàng, án thư chạm trổ sơn thếp có nhiều lớp trang trí nghệ thuật rồng phượng, đôi hạc, bát bửu, bát hương...). Đặc biệt, ở đình còn hiện hữu bức phù điêu tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân và các nhân vật khác thời Hùng Vương, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.

Hội Bình Đà, được tổ chức thường niên, diễn ra đầu tháng 3 âm lịch, là một hợp phần quan trọng của di sản văn hóa tại không gian văn hóa đình (đền) Nội Bình Đà, gắn với nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân tôn vinh Quốc Tổ Lạc Long Quân... Đây cũng là lễ hội đầu tiên của thành phố Hà Nội được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2014).

Bảo vệ di sản gắn với phát triển bền vững

Với những giá trị độc đáo, huyện Thanh Oai đã có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình (đền) Nội Bình Đà, báo cáo thành phố Hà Nội quy hoạch thêm gần 20ha để xây dựng một số công trình và đã được thành phố quan tâm phê duyệt quy hoạch chung.

GS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam kiến nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho di tích đình (đền) Nội Bình Đà. Phạm vi khu di tích quốc gia đặc biệt này sẽ bao gồm cả đình (đền) và Khu lăng mộ Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng với không gian văn hóa của lễ hội Bình Đà và nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia “Bức phù điêu chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương”.

Cho rằng chủ trương của huyện Thanh Oai về nhận diện giá trị và lập hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đình (đền) Nội Bình Đà là chiến lược bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đề xuất bảo vệ tổng thể di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; sử dụng phương pháp tiếp cận tổng thể để xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đình (đền) Nội Bình Đà. Cùng với biện pháp đó, cần bảo vệ, phục hồi cả cảnh quan, sinh thái môi trường để neo giữ, vật thể hóa các câu chuyện văn hóa phi vật thể và ý nghĩa lịch sử của nó như là cơ sở, tiền đề để cộng đồng tái sáng tạo văn hóa của mình.

Trước những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, các nhà khoa học đã nghiên cứu, khảo sát, tại khu vực đình (đền) và khu vực tương truyền là mộ chí của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân... Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ đề nghị huyện Thanh Oai tiếp tục đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, cân nhắc kế hoạch nghiên cứu thám sát, khai quật khảo cổ học ở khu vực Bình Đà; phải xây dựng và triển khai quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với khu di tích đình (đền) Nội Bình Đà và các địa điểm di tích cơ liên quan.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị di tích, xây dựng hành trình kết nối với Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Di tích Đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ. UBND huyện Thanh Oai cũng cần sớm có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tư liệu, chuẩn bị những điều kiện cần thiết xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/neo-giu-ky-uc-ve-coi-nguon-i334435/