Nẻo về rộn rã niềm vui
Việc sử dụng ma túy khiến nhiều người, gia đình rơi vào cảnh khốn khó, chồng chất nỗi đau đớn, mất mát. Song, thực tế cũng cho thấy, những ai có đủ ý chí, bản lĩnh, quyết tâm từ bỏ ma túy thì nẻo về sẽ rộn rã niềm vui.
Tư vấn, hỗ trợ người sau khi cai nghiện ma túy tại cộng đồng là giải pháp quan trọng giúp họ tự tin tái hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy. Ảnh: Hà Hiền
Nỗ lực hồi sinh
Đã nhiều năm từ bỏ ma túy, nhưng mỗi khi kể về một thời lầm lỡ, ông Phạm Văn Hoằng (sinh năm 1965) ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) vẫn luôn ân hận, day dứt. Ông Hoằng cho biết, vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ông rời quê đi làm ăn xa. Nơi đó có trồng cây thuốc phiện và có nhiều người sử dụng loại thuốc gây nghiện này. Do chưa ý thức được tác hại, ông Hoằng tò mò thử dùng “nàng tiên nâu”, rồi dần lệ thuộc vào nó. “Từ khi sử dụng ma túy, tôi không còn là tôi nữa. Công việc gặp nhiều khó khăn, cuộc sống bế tắc”, ông Hoằng chia sẻ.
Trở về quê hương, chứng kiến người vợ tảo tần, vất vả nuôi hai con nhỏ trong ngôi nhà tranh vách đất, khiến ông Hoằng cảm thấy có lỗi, tự nhủ bản thân phải cai nghiện để xứng đáng với vai trò là người trụ cột trong gia đình. Thế nhưng, những cơn… thèm thuốc dường như biến ông thành người khác, chỉ biết nghĩ đến thuốc phiện để giải tỏa “nỗi khó chịu, vật vã ngấm đến từng mạch máu, tế bào”.
Cho đến một ngày, căn nhà ọp ẹp của gia đình ông không đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Mưa, gió táp vào nhà, làm bong từng mảng tường, nát dần mái lá, dột tứ tung. “Nhìn người vợ hiền gầy gò, khắc khổ, thấy con thơ co ro, lạnh lẽo ở nơi lẽ ra là mái ấm, tôi như thức tỉnh, quyết tâm đi cai nghiện”, ông Hoằng kể.
Hết đi cai nghiện tập trung lại tự cai tại gia đình, đến cuối năm 1996, ông Hoằng đã từ bỏ được ma túy. Chia sẻ về kinh nghiệm “hồi sinh”, ông Hoằng cho hay: “Sự quyết tâm cai nghiện của người nghiện có vai trò quyết định; sự quan tâm, động viên, khích lệ của người thân, gia đình là yếu tố đòn bẩy. Trong quá trình cai nghiện, mỗi khi thèm thuốc, tôi đi tắm nước lạnh. Những gáo nước lạnh táp vào mặt, vào người giúp tôi tỉnh táo; tuyệt đối không uống rượu, bởi khi say rượu dễ làm con người thiếu tỉnh táo, thiếu quyết tâm và lại tìm đến ma túy”.
Trở về là chính mình, thời gian đầu, ông Phạm Văn Hoằng cùng vợ vừa làm nông nghiệp, vừa nuôi vịt. Sau đó, gia đình ông tập trung làm nghề truyền thống của quê hương - sản xuất bánh giầy. Nghề truyền thống mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Hoằng khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ông ngày một phát triển, cuộc sống êm ấm, hạnh phúc. “Tôi đã lên chức ông nội, ngày ngày vui vẻ bên gia đình đông đủ con, cháu. Nếu ngày đó tôi không có đủ quyết tâm từ bỏ ma túy, thì không biết hiện nay cuộc sống của tôi và gia đình sẽ thế nào, đi về đâu…”, ông Hoằng nói.
Không chỉ nỗ lực làm kinh tế, nhiều năm qua, ông Hoằng còn tham gia công tác xã hội, quan tâm, trợ giúp những người đồng cảnh. Từ năm 2015 đến nay, với vai trò là tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Tô Hiệu, ông Hoằng luôn tích cực vận động, tuyên truyền người nghiện ma túy đi cai nghiện, động viên, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy nỗ lực hòa nhập cộng đồng.
Cuộc sống bước sang trang mới
Trường hợp khác đã từ bỏ được ma túy nhiều năm, nỗ lực làm lại cuộc đời là anh Phạm Văn Dũng (sinh năm 1979) ở xóm Dợ, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa).
Sinh ra, lớn lên trong gia đình có bố, mẹ yêu thương, quan tâm, chăm sóc, được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, ngỡ tưởng cuộc sống, tương lai của anh Dũng sẽ rộng mở. Tiếc thay, vào năm 2002, khi đang là sinh viên của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sắp đến ngày ra trường, anh Dũng a dua theo bạn bè thử sử dụng heroin. “Kể từ đó, tôi trở thành… con nghiện, làm bố, mẹ, người thân đau lòng, khốn khổ vì tôi”, anh Dũng nói.
Với mong muốn từ bỏ ma túy, anh Dũng gác lại việc học, trở về địa phương sống cùng gia đình. Mặc dù được gia đình động viên, giúp đỡ, nhưng anh Dũng vẫn không chiến thắng nổi sự cám dỗ của “chất trắng”. Nhớ lại quãng thời gian lệ thuộc vào ma túy, anh Dũng cho biết: “Tôi may mắn hơn nhiều người khác là luôn có gia đình ở bên và gặp được người vợ chịu thương, chịu khó, không rời bỏ tôi ngay cả khi biết chồng là… con nghiện. Sau khi đứa con đầu lòng ra đời mà không được chăm sóc đầy đủ như những đứa trẻ khác do có người bố nghiện, thêm một lần nữa tôi tự thấy bản thân phải sống có trách nhiệm với gia đình và quyết tâm đi cai nghiện”.
Trải qua hành trình cai nghiện nhiều năm, anh Dũng đã từ bỏ được ma túy từ năm 2010 đến nay. Việc đoạn tuyệt với ma túy mang đến cho cuộc sống của anh và gia đình những gam màu tươi sáng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chỉ sau 2 năm không sử dụng “chất trắng”, gia đình anh Dũng đã xây được ngôi nhà vững chãi. Hiện nay, anh Dũng làm chủ một cơ sở sản xuất đồ mã tại địa phương, thu nhập ổn định. Vui hơn, sau khi cai nghiện trở về, gia đình anh chào đón thêm một thành viên mới. “Các con là nguồn sống, là tương lai của tôi. Tôi đã, đang nỗ lực sống tốt từng ngày để các con không phải xấu hổ vì mình”, anh Dũng bộc bạch.
Là người hỗ trợ anh Dũng trên chặng đường tìm lại bản thân, anh Phùng Văn Thủy, Đội phó Đội Công tác xã hội tình nguyện xã Hòa Xá đánh giá: “Sau khi cai nghiện trở về, anh Dũng thay đổi rất nhiều, chăm chỉ lao động, biết yêu thương gia đình, sống hòa nhã, cởi mở với người xung quanh”.
Qua những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy rõ một điều, cai nghiện ma túy là hành trình vô cùng gian nan. Song, nếu người trong cuộc có đủ quyết tâm; nếu người thân, gia đình luôn ở bên động viên, hỗ trợ; nếu cộng đồng không kỳ thị, xa lánh…, thì đường về của người nghiện ma túy sẽ dễ dàng hơn.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/975922/neo-ve-ron-ra-niem-vui