Nếp nhà sàn truyền thống ở bản Hụm

Cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 5 km, theo tuyến đường bê tông dẫn vào bản Hụm, xã Chiềng Xôm mùa này 2 bên đường, cánh đồng lúa xanh mướt, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái hiện ra với nét đặc trưng rất riêng đang được người dân nơi đây gìn giữ.

Ngôi nhà sàn truyền thống có đặc trưng gắn khau cút trên mái nhà tại bản Hụm, xã Chiềng Xôm.

Ngôi nhà sàn truyền thống có đặc trưng gắn khau cút trên mái nhà tại bản Hụm, xã Chiềng Xôm.

Bản Hụm có 134 hộ, 560 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái. Ông Tòng Văn Bình, Trưởng bản, cho biết: Hiện nay, bản còn hơn 80 hộ đang sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống, người dân trong bản rất quý trọng và nhắc nhở nhau giữ gìn. Bản đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa các dân tộc, với hơn 40 thành viên, tổ chức sinh hoạt dưới các nếp nhà sàn truyền thống, đàn ông thổi khèn bè, những cô gái đội chiếc khăn piêu nắm tay nhau cùng nhảy vũ điệu kết đoàn. Ngoài ra, nhân dân trong bản thường xuyên vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa để những ngôi nhà sàn luôn sạch đẹp.

Ông Quàng Văn Khổ, người có uy tín của bản, nói: Nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái mang những nét kiến trúc thẩm mỹ đặc trưng và ý nghĩa riêng. Mái nhà sàn ở hai đầu hồi thường có cấu trúc khum khum như mai rùa, trên nóc nhà có gắn khau cút, vừa tạo điểm nhấn, vừa gợi sự liên tưởng tới sự chắc chắn, bền vững. Cầu thang thường có 7 hoặc 9 bậc, bởi đồng bào Thái quan niệm rằng bậc cầu thang là số lẻ thì mọi người trong nhà đều bình yên, may mắn. Ngày xưa, gầm sàn là nơi để các dụng cụ sản xuất, chăn nuôi, nhưng ngày nay thường là nơi sinh hoạt chung của gia đình.

Cùng tham quan một ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trong bản, ông Quàng Văn Khổ nói thêm: Tập quán sinh sống của đồng bào Thái trước đây hay dựng nhà ở giữa những vùng thung lũng, gắn với ruộng đồng và rừng núi đã hình thành nên lối kiến trúc độc đáo, phù hợp với điều kiện thực tế có sàn cao giúp ngôi nhà tránh được ẩm thấp, thú dữ; kết cấu nhà chắc chắn giúp trụ vững với thời tiết khắc nghiệt vùng cao, tồn tại đến vài chục năm và được bao thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ đến tận hôm nay. Nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ không mối mọt, trước đây mái lợp bằng cỏ gianh già cắt vào cuối mùa thu, phơi khô, đan thành từng phên, buộc bằng lạt giang bền chắc, bây giờ mái nhà đã được thay thế bằng ngói đỏ hoặc bằng tôn.

Hiện nay, những nếp nhà sàn ở bản Hụm không chỉ là nơi sinh hoạt của các gia đình mà còn có thể tạo ra thu nhập nhờ làm du lịch cộng đồng. Ngôi nhà sàn hơn 30 năm tuổi của gia đình ông Lò A Phủ là một trong những ngôi nhà sàn đẹp nhất ở bản Hụm. Năm 2017, gia đình ông được UBND xã Chiềng Xôm chọn, triển khai mô hình nhà nghỉ cộng đồng (homestay).

Ông Lò A Phủ nói: Gia đình đã đầu tư 200 triệu đồng chỉnh trang ngôi nhà, mua thêm chăn màn và các đồ dùng sinh hoạt, gầm sàn được cải tạo ngăn chia thành các phòng nhưng không phá vỡ nét kiến trúc ngôi nhà. Hiện nay, ngôi nhà đảm bảo cho trên 20 khách nghỉ, giá 80 nghìn đồng/ngày/người. Ngoài ra, gia đình còn phục vụ nhu cầu ẩm thực với các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái, như: Cá nướng, xôi, cơm lam và tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, cho biết: Xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương không chỉ riêng bản Hụm, mà còn ở bản Tông, Phiêng Ngùa, Tông Nọi. Đồng thời, hỗ trợ nhân dân xây dựng, cải tạo nhà ở, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nhà sàn truyền thống mang những giá trị tinh thần, là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Dù cuộc sống ngày một hiện đại, song nhiều gia đình ở bản Hụm vẫn giữ lại những nếp nhà sàn truyền thống cho thế hệ sau.

Bài, ảnh: Thu Trà

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/nep-nha-san-truyen-thong-o-ban-hum-Eba6wukIg.html