Nếp nhà thời hiện đại
Xã hội phát triển, nhiều giá trị truyền thống của gia đình cũng vì thế mà thay đổi. Thế nhưng, dù có thay đổi ra sao thì những giá trị đó vẫn đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi người.
Trước đây, mô hình gia đình tam tứ đại đồng đường cùng chung sống luôn được coi là kiểu mẫu lý tưởng vì nó tượng trưng cho một gia đình nền nếp truyền thống và cũng thể hiện sự uy nghiêm có trên có dưới. Ngày nay, mặc dù mô hình gia đình hạt nhân là xu thế nhưng trong xã hội vẫn tồn tại không ít những “gia đình lớn” như vậy.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhã, khu tái định cư Phú Diễn, đường Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội là một trong số đó. Gia đình ông Nhã có 3 thế hệ cùng chung sống. Mỗi người một công một việc nhưng bữa cơm tối luôn đầy đủ các thành viên trong gia đình. Và, như thường lệ, bao giờ các con các cháu cũng mời, ông bà, những người lớn tuổi trước khi ăn cơm.
Ba thế hệ cùng chung sống nhưng trong gia đình ông Nhã chưa bao giờ có điều gì to tiếng hay khúc mắc, mẹ chồng – nàng dâu luôn hòa thuận. Mỗi khi gia đình có việc, chị dâu – em chồng mỗi người một công một việc săm sắn, lo toan.
Chị Lê Thị Hồng Nhung về làm dâu gia đình ông Nhã đã được 10 năm. Từ một cô gái chưa biết nhiều về làm việc nhà, chưa có kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế nhưng được sự dạy bảo của bố mẹ chồng, đến nay, chị lại là người giúp mẹ chồng quán xuyến công việc gia đình.
Nhiều người đi làm dâu sợ phải sống trong một gia đình nhiều thế hệ nhưng với chị Nhung thì khác. Sự thương yêu, đùm bọc của cả đại gia đình không chỉ giúp cho chị có điều kiện, thời gian công tác mà các con chị còn được uốn nắn, dạy dỗ, bảo ban ngay từ tấm bé. Đó cũng chính là lý do mà dù vợ chồng chị có đủ khả năng ra ở riêng nhưng vẫn chọn sống chung với bố mẹ chồng.
Nhiều thế hệ cùng chung sống, mỗi thế hệ lại có những cách suy nghĩ, lối sống riêng. Và để dung hòa được điều đó là không phải dễ. Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Nhã thì bố mẹ phải luôn là người cầm trịch để điều hòa mọi mối quan hệ.
Trên kính dưới nhường, cha mẹ, ông bà yêu thương con cháu, con cháu hiếu thảo với ông bà, đây là truyền thống mà gia đình ông Lê Phú Định – bà Trần Thị Đường ở xã Trung Lệ huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh gây dựng và duy trì cho các con. Dù không sống cùng con, cháu nhưng cứ đến cuối tuần là ông bà lại tổ chức bữa cơm sum họp cho cả đại gia đình gồm 3 thế hệ. Theo bà Trần Thị Đường thì nếp sinh hoạt này đã kéo gần các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Nhìn các con, các cháu quây quần, ông Định, bà Đường không giấu được niềm vui, sự mãn nguyện lúc tuổi già. Do đặc thù ở xa nên cuối tuần các con, các cháu mới về thăm ông bà. Và những ngày cuối tuần ấy bao giờ cũng là ngày hội của cả gia đình.
Ông Lê Phú Định và bà Trần Thị Đường đã chung sống với nhau hơn 30 năm. Theo kinh nghiệm của ông Định, để giữ cho không khí gia đình luôn trong ấm ngoài êm, điều quan trọng là vợ chồng phải biết thông cảm, sẻ chia và luôn có sự trao đổi thống nhất về mọi việc trong gia đình. Sự mẫu mực của ông bà đã giúp đem lại cho các con, cháu những bài học quý giá, góp phần giữ gìn hạnh phúc riêng tư của mỗi người.
Nếp nhà là truyền thống của mỗi gia đình. Việc duy trì nếp nhà không phải là những gì to tát mà nhiều khi đơn giản chỉ là một bữa cơm, một buổi họp mặt hay duy trì một thói quen sinh hoạt nào đó. Điều đó không hề làm mất đi sự tự do, thoải mái của mỗi cá nhân mà là sợi dây gắn kết giữa các thành viên để cuộc sống gia đình được hạnh phúc trọn vẹn./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nep-nha-thoi-hien-dai-828293.vov