Nếp sống mới ở làng quê Suối Đá
Thôn Suối Đá (xã Hồng Sơn - huyện Hàm Thuận Bắc) được người dân nơi đây gọi thôn trù phú nhất xã. Sự trù phú nhờ người dân chăm chỉ làm lụng và đặc biệt là từ khi xã Hồng Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) đang tiến tới xã NTM nâng cao chọn Suối Đá xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của xã.
Đồng lòng vì thôn, xóm
Đều đặn 1 tuần 2 lần anh Nguyễn Duy Bình người dân tổ 2 – thôn Suối Đá nổ máy chiếc xe ba gác chở cây kiểng của gia đình đến từng nhà hộ dân trong tổ để gom rác. Từ ngày có chiếc xe ba gác của anh Bình người dân trong tổ không ai bảo ai, họ ý thức phân loại rác thải rồi gom rác đúng giờ để xe trung chuyển đưa rác ra đường lớn. “Trước đây bà con quăng rác vương vãi khắp đường cho đến các tuyến kênh mương của hồ Suối Đá, có hộ thì đốt rác khói bay khắp xóm làm ảnh hưởng môi trường. Rồi khi thôn phát động mình hưởng ứng nhận trung chuyển rác ngay mong góp chút sức để thôn, xóm mình sạch sẽ”.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên xã Hồng Sơn – Hàm Trí là đường chính của thôn rồi đến tuyến đường ngõ xóm ở tổ 1, tổ 2 đều vắng bóng rác thải, Bí thư Chi bộ thôn Suối Đá - Phan Quyết Thắng nói: “Hiện nay xe rác của huyện chỉ vào tuyến đường chính, Ban điều hành thôn vận động từng gia đình gom rác để trước nhà vào một thời gian cố định trong tuần. Thôn hợp đồng với một hộ dân sẽ làm nhiệm vụ trung chuyển rác từ trong ngõ xóm đưa ra đường lớn. Người vận chuyển thì góp sức, bà con mình góp tiền đổ xăng cho xe chạy”. Trong tổng số 326 hộ dân trong toàn thôn hiện có hơn 70% số hộ dân trong các tuyến đường nhỏ, liên thôn tham gia thu gom rác thải theo đúng quy định của thôn. Đi trên những con đường làng khang trang sạch sẽ hôm nay đó là kết quả của một quá trình mà Chi bộ thôn, Ban điều hành thôn và bà con trong thôn cùng cố gắng thay đổi suy nghĩ và hành động để làng quê ngày càng đáng sống, văn minh. Từ cách làm hiệu quả ở thôn Suối Đá, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn - Nguyễn Ngọc Liêm quyết định nhân rộng thêm ra ở các thôn khác trong xã cải thiện cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, thôn Suối Đá là điển hình trong các phong trào ở địa phương. Trưởng thôn Nguyễn Văn Khuyến cho biết thêm: “Ở thôn 100% các hộ dân nơi đây tự bỏ kinh phí ra đầu tư nước sạch sử dụng, hầu hết thôn, xóm đều “phủ sóng” đường giao thông nông thôn được sỏi hóa, bê tông hóa. Chúng tôi chỉ mong muốn Nhà Văn hóa thôn được sửa sang khang trang hơn cho bà con sinh hoạt”.
Hướng tới khu dân cư kiểu mẫu
Thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn phần lớn người dân từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống và lập nghiệp. Trong ký ức người dân nơi đây không quên được nhiều năm trở về trước đây là vùng đất khó, đường sá đều là đường đất, đi lại khó khăn, thiếu nước sản xuất. Sự đổi khác hôm nay hiện hữu trên từng nếp nhà, con đường làng vào thôn, xóm.
Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn - Nguyễn Ngọc Liêm cho biết: “Theo Quyết định 192 của UBND tỉnh, xã Hồng Sơn chọn thôn Suối Đá xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, thôn cơ bản đạt 6/9 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí chưa đạt gồm giáo dục, thu nhập và cảnh quan môi trường”. Để tiếp tục đầu tư cho Suối Đá đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, từ đầu năm, UBND xã Hồng Sơn chọn tổ 2, thôn Suối Đá được làm điểm bê tông hóa tuyến đường với kinh phí khoảng 400 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 140 triệu đồng. Ngoài ra, tuyến đường dọc tuyến kênh chính Suối Đá từ nguồn ngân sách tỉnh cũng đang thi công, có thêm 2 km đường giao thông nữa đang giặm vá bảo đảm đi lại cho người dân. Ban điều hành thôn Suối Đá đã vận động kinh phí thực hiện công trình ánh sáng an ninh ngay sau tuyến đường thi công hoàn thành đưa vào sử dụng. Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, tin rằng một ngày không xa làng quê NTM này sẽ thay áo mới.
Hồng Sơn là xã thuần nông, dịch vụ thương mại phát triển chậm, Đảng bộ, UBND xã Hồng Sơn luôn quan tâm đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 2 cây trồng chủ lực là thanh long và lúa đã tạo sự “bứt phá” trong đời sống và thu nhập của người dân những năm qua. Trong tổng diện tích thanh long toàn xã hơn 900 ha, thôn Suối Đá được xem là vùng trọng điểm chuyên canh thanh long với 260 ha. Phần lớn diện tích thanh long đều được chứng nhận VietGAP, có nông dân canh tác thanh long tiêu chuẩn GlobalGap. Tuy nhiên, 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá nông sản bấp bênh trong khi vật tư nông nghiệp leo thang đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Điều này tác động đến việc thực hiện các tiêu chí NTM và là trăn trở của địa phương trong chặng đường nỗ lực đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu thời gian tới.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nep-song-moi-o-lang-que-suoi-da-100536.html