Nếp sống văn minh ở Đan Phượng
Nhờ triển khai sâu rộng với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện Đan Phượng đạt nhiều kết quả tích cực.
Khơi dậy nét đẹp truyền thống
Nằm ở vùng đất Ô Diên cổ, văn hóa độc đáo xứ Đoài hòa nhịp cùng bản sắc Thăng Long – Hà Nội mang đến đến cho mảnh đất, con người Đan Phượng sự hiền hòa, gắn kết tình làng nghĩa xóm và nhiều nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây cũng là tiền đề để địa phương thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Từ nhiều tháng nay, các điểm check-in của 3 thôn Đông Khê, Đoài Khê và Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng trở thành nơi thư giãn, chuyện trò, chụp ảnh của người dân địa phương. Không chỉ vậy, được thiết kế với những hình ảnh gắn liền với văn hóa truyền thống, đặc sản quê hương như mô hình chiếc bánh tẻ khổng lồ gói bằng lá dong xanh mướt, gánh lúa trĩu bông vàng óng ả… các điểm check-in này còn là nơi quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa, ẩm thực địa phương.
Điều đáng mừng là kinh phí để xây dựng các điểm check-in được xã hội hóa từ nguồn đóng góp của người dân, lên tới gần 100 triệu đồng. Trong đó, người dân thôn Đoài Khê chung tay đóng góp trang trí cảnh quan, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng các gốc cây, khu vực xung quanh điểm check-in. Còn thôn Đông Khê thực hiện xã hội hóa vệ sinh, cải tạo ao môi trường... Trưởng thôn Đoài Khê Nguyễn Thị Thám chia sẻ: “Những điểm check-in này có ý nghĩa nhắc nhở thế hệ trẻ tiếp nối, phát huy truyền thống, văn hóa của địa phương”.
Không riêng gì xã Đan Phượng, hưởng ứng phát động của huyện, 129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn đã xây dựng 129 điểm check in, 129 video clip với tổng kinh phí xã hội hóa gần 2 tỷ đồng nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa, ẩm thực, du lịch Đan Phượng, tạo không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm cho biết, huyện còn gắn thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng với mô hình xây dựng thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh. Đến nay, toàn huyện xã hội hóa được hơn 38 tỷ đồng thực hiện cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh”, góp phần làm cho diện mạo làng quê ngày càng sạch, đẹp.
Từ cuộc thi đã có nhiều mô hình, cách làm hay sáng tạo, góp phần lan tỏa ở từng xóm, ngõ, ngách, phố và trong mỗi hộ gia đình. Điển hình mô hình thôn bích họa, mô hình phân loại, tái chế rác thải do Hội Phụ nữ các xã Song Phượng, Thượng Mỗ, Đan Phượng triển khai; mô hình xây dựng các tuyến đường, phố văn minh tại thị trấn Phùng, xã Đan Phượng; mô hình thôn, phố không tệ nạn xã hội…
Đặc biệt thông qua cuộc thi đã phát động phong trào xây dựng “tuyến đê kiểu mẫu”, ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm mái đê, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản hành lang đê điều trong Nhân dân. Người dân đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, xây dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm…
Nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp
Thời gian qua, Huyện ủy Đan Phượng đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc 2 bộ Quy tắc ứng xử của TP; tuyên truyền, quán triệt đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện “Ứng xử văn hóa trong cơ quan, cuộc sống hàng ngày, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, chú trọng khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn gia đình truyền thống phù hợp với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại.
Huyện cũng chú trọng bồi dưỡng về văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng 18 mô hình văn hóa tiêu biểu như: mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; mô hình trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch…
Ở các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố phát động phong trào thi đua thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng những việc làm thiết thực như đảm nhận vệ sinh môi trường các công trình công cộng, tham gia công tác tự quản các tuyến đường, điểm văn hóa lịch sử…
“Nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được huyện lồng ghép với các mô hình xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đã tạo ra hiệu quả rõ rệt. Hiện tượng vứt, đổ rác bừa bãi, những vụ va chạm, xích mích trong Nhân dân giảm. Năm 2024 ước tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” toàn huyện đạt 96,4%; 100% làng, cụm dân cư; 100% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa” – bà Nguyễn Thị Quỳnh Lâm chia sẻ.
Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân, thực hiện tốt 2 bộ Quy tắc ứng xử của TP.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức hiệu quả cuộc thi ‘‘Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn huyện với hình thức phù hợp nhằm xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần xây dựng huyện phát triển thành quận xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Huyện đã triển khai lắp đặt hơn 100 bảng niêm yết bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích; phát 45.300 tờ rơi tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử tới từng hộ gia đình. Qua kiểm tra thực tế, tại các di tích, Nhân dân đến chiêm bái và tham gia lễ hội đã thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Các lễ hội truyền thống trên địa bàn được diễn ra an toàn, văn minh, đúng quy định, góp phần làm cho di tích thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nep-song-van-minh-o-dan-phuong.html