Nepal ra quy định mới làm thay đổi cuộc chơi trên đỉnh Everest

Nepal vừa công bố kế hoạch siết chặt việc cấp phép leo đỉnh Everest - nóc nhà thế giới - chỉ dành cho những người đã có kinh nghiệm chinh phục thành công đỉnh 7.000 m trở lên.

 Người Sherpa Nepal cứu người leo núi Malaysia "vùng tử thần" trên Everest. Ảnh: Reuters.

Người Sherpa Nepal cứu người leo núi Malaysia "vùng tử thần" trên Everest. Ảnh: Reuters.

Nepal vừa đề xuất luật mới yêu cầu người muốn leo Everest phải từng chinh phục ít nhất một đỉnh núi cao 7.000 m tại nước này, như Manaslu hay Annapurna. Đây không chỉ là rào cản hành chính, mà là một biện pháp sống còn, nhằm cứu lấy ngọn núi đang ngày càng ngập trong tình trạng quá tải, rác thải và thương vong.

Dự luật "Du lịch Tổng hợp" đã được Thượng viện Nepal đăng ký hôm 18/4 và nhiều khả năng sẽ sớm được thông qua. Theo đó, để được cấp phép, người leo núi phải nộp bằng chứng từng leo thành công một đỉnh núi 7.000 m tại Nepal. Quy định này nhằm loại bỏ những người thiếu kinh nghiệm - nguyên nhân gây ùn tắc, chậm trễ và cả tử vong tại "vùng tử thần" (trên 8.000 m), đồng thời tạo điều kiện cho các hướng dẫn viên bản địa biết rõ địa hình làm việc.

Leo Everest không nên chỉ là "gạch đầu dòng" trong danh sách ước mơ, mà là hành trình cần được tôn trọng, Nikkei Asia viết.

Leo Everest giờ không còn dành cho người "tay mơ"

Việc chinh phục đỉnh Everest từ lâu được xem là biểu tượng tối thượng của sức mạnh và khát vọng con người. Nguồn thu từ phí cấp phép và chi tiêu của du khách nước ngoài là thu nhập chính của Nepal - quốc gia sở hữu 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả Everest.

Trong những năm gần đây, hình ảnh đoàn người xếp hàng chen chúc ở "vùng tử thần", cùng cảnh tượng rác thải, bình oxy bỏ lại, lều trại và chất thải sinh hoạt ngập sườn núi đã khiến dư luận phẫn nộ.

 Đường lên Everest trông như bãi rác vì rác thải sinh hoạt, bình oxy, xác người không thể phân hủy. Ảnh: Reuters.

Đường lên Everest trông như bãi rác vì rác thải sinh hoạt, bình oxy, xác người không thể phân hủy. Ảnh: Reuters.

Mùa leo núi 2024 ghi nhận nhiều vụ việc thương tâm do người leo chưa đủ kỹ năng. Năm ngoái, trong số 478 người được cấp phép, có 12 người chết và 5 người mất tích. Năm nay, thêm 8 người thiệt mạng. Những con số này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải siết chặt đầu vào.

Không chỉ vì an toàn, quy định mới còn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường: Everest đang trở thành "bãi rác đóng băng" với bình oxy, rác thải và cả thi thể người leo núi không thể phân hủy. Phần lớn sự ô nhiễm này đến từ các đoàn leo thiếu chuẩn bị, không đủ kiến thức và kỹ năng để tuân thủ nguyên tắc "không để lại dấu vết". Việc hạn chế người leo thiếu chuẩn bị sẽ giúp giảm áp lực lên hệ sinh thái mong manh của khu vực.

 Cảnh dòng người chờ lên đỉnh Everest. Ảnh: National Geographic.

Cảnh dòng người chờ lên đỉnh Everest. Ảnh: National Geographic.

Luật mới cũng ưu tiên nhân lực trong nước. Tất cả hướng dẫn viên độ cao, trưởng đoàn và nhân viên hỗ trợ đều phải là công dân Nepal - một cách giữ lại lợi ích kinh tế và tận dụng hiểu biết địa phương để tăng an toàn.

Để được nộp hồ sơ xin phép leo Everest, người leo núi bắt buộc phải cung cấp giấy tờ chứng minh từng leo thành công một đỉnh núi 7.000 m tại Nepal, ví dụ như Manaslu hoặc Annapurna. Yêu cầu này nhằm sàng lọc những người chưa hiểu rõ mức độ khắc nghiệt của Everest.

Nepal muốn chắc chắn rằng những người có mặt trên Everest đều có đủ sức bền, khả năng và kinh nghiệm xử lý để vượt qua địa hình nguy hiểm. Điều này cũng giúp giảm tai nạn và giảm tải cho các lực lượng cứu hộ vốn đã quá căng thẳng.

Vẫn còn tranh cãi

Một số công ty điều hành tour quốc tế cho rằng quy định mới quá khắt khe. Họ đề xuất Nepal nên chấp nhận cả những đỉnh núi 7.000 m ở nước khác như Nanda Devi (Ấn Độ) hay K2 (Pakistan). Tuy nhiên, lập luận của phía Nepal cũng có cơ sở: Himalaya là vùng núi đặc thù với điều kiện thời tiết, địa hình và hậu cần rất riêng, đòi hỏi sự hiểu biết cụ thể về khu vực. Tuy vậy, có thể một số đỉnh quốc tế vẫn sẽ được cân nhắc để tránh gây tranh cãi.

 Nhà leo núi Nguyễn Mạnh Duy đã chinh phục đỉnh Manaslu (8.163 m) trước khi summit Everest vào tháng 4. Ảnh: NVCC.

Nhà leo núi Nguyễn Mạnh Duy đã chinh phục đỉnh Manaslu (8.163 m) trước khi summit Everest vào tháng 4. Ảnh: NVCC.

Để đảm bảo việc thực thi, Nepal đang mạnh tay trấn áp. Cụ thể, những người vi phạm sẽ bị cấm leo núi trong 10 năm, bị phạt số tiền tương đương chi phí xin giấy phép, hoặc cả hai. Các biện pháp này truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng Everest không phải là sân chơi. Đó là hành trình đòi hỏi sự tôn trọng và chuẩn bị nghiêm túc.

Sự nghiêm khắc này có thể khiến một số người chùn bước, nhưng đó là cái giá nhỏ để đổi lấy một ngọn núi an toàn và sạch hơn. Luật mới không chỉ nhằm bảo vệ ngọn núi, mà còn là hành động vì những người Sherpa - những người luôn ở tuyến đầu đối mặt hiểm nguy, bảo vệ ngọn núi đang nghẹt thở vì tham vọng của con người, và bảo vệ những người leo núi xứng đáng có cơ hội chạm đỉnh với sự chuẩn bị nghiêm túc.

Everest vẫn ở đó - nhưng nếu không thay đổi, sự vĩ đại ấy có thể sẽ không còn.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nepal-ra-quy-dinh-moi-lam-thay-doi-cuoc-choi-tren-dinh-everest-post1555337.html