Phân chim cánh cụt giúp chống biến đổi khí hậu
Phân của chim cánh cụt có thể đang làm cho bầu trời Nam Cực trở nên nhiều mây hơn và góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.

Chim cánh cụt trên đảo Deception, Nam Cực. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Các khí thải từ phân của loài chim này đang cung cấp những thành phần hóa học chủ chốt để hình thành nên "hạt giống" của các đám mây - những hạt siêu nhỏ mà mây kết tụ xung quanh. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 22/5 trên tạp chí Communications Earth & Environment.
Thành phần chính mà phân chim cánh cụt đóng góp vào quá trình này là amoniac. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng khí amoniac trong khí quyển có thể kết hợp với axit sulfuric do thực vật phù du biển thải ra để tạo thành các hạt nhỏ gọi là hạt nhân ngưng tụ mây - chính là "hạt giống" của mây.
Những đám mây này có thể giúp làm mát hành tinh bằng cách phản xạ nhiều ánh sáng Mặt Trời hơn trở lại không gian. Các nhà khoa học đang rất quan tâm đến việc tìm hiểu các yếu tố chi phối khí hậu và độ bao phủ mây ở Nam Đại Dương và Nam Cực, những yếu tố có thể tác động mạnh mẽ đến khí hậu toàn cầu.
Gần trạm Marambio của Argentina trên Bán đảo Nam Cực, tuyết và đất thường xuyên bị bao phủ bởi phân từ một đàn chim cánh cụt Adélie sinh sản gần đó. Matthew Boyer, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Helsinki, và các đồng nghiệp muốn đánh giá xem loại "phân bón tự nhiên" này có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành mây trong khu vực.
Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ amoniac, dimethylamine và các loại khí khác trên Bán đảo Nam Cực từ ngày 10/1 đến ngày 20/3/2023, để hiểu rõ hơn về cách các loại khí khác nhau đóng góp vào sự hình thành mây của khu vực. Họ quan sát thấy nồng độ amoniac lên tới 13,5 phần tỷ, cao gấp 1.000 lần so với nồng độ ở những khu vực không có chim cánh cụt.
Sau đó, bằng cách đo đạc trong một ngày duy nhất, họ quan sát sự thay đổi nồng độ của các hạt sol khí (aerosol) nhỏ bé này khi hướng gió thay đổi. Kết quả cho thấy, những cơn gió thổi từ hướng có đàn chim cánh cụt mang theo sự gia tăng đột biến nồng độ hạt sol khí (và một chút sương mù). Nhìn chung, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự đóng góp của chim cánh cụt vào "hỗn hợp hóa học" trong khí quyển đã làm tăng tỷ lệ hình thành hạt lên tới 10.000 lần trong khu vực.
Điều đáng ngạc nhiên là tác động này vẫn còn kéo dài ngay cả sau khi đàn chim đã rời khỏi khu vực để bắt đầu chuyến di cư hàng năm của chúng. Lượng phân chim đã "bón" cho đất nhiều đến nỗi một tháng sau khi chim cánh cụt rời đi, lượng khí amoniac thải ra vẫn cao gấp 100 lần so với các phép đo cơ bản.