Nestlé tiếp tục mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt với khoản đầu tư mới
Vào những năm 1990, khi Việt Nam khởi đầu hành trình hội nhập kinh tế toàn cầu, Đồng Nai - một vùng đất chiến lược phía Nam - đối mặt với nhiều thách thức: Hạ tầng chưa đồng bộ, logistics còn hạn chế, và môi trường đầu tư chưa hoàn toàn sẵn sàng cho dòng vốn FDI. Tuy nhiên, nhờ vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển vượt trội, Đồng Nai nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế có tầm nhìn dài hạn…
Trong giai đoạn 1991-1995, Đồng Nai tích cực thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn như Cargill (Hoa Kỳ), C.P (Thái Lan), và Nestlé (Thụy Sĩ). Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các chính sách ổn định của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp FDI tại đây được tạo điều kiện để đầu tư bài bản, hướng tới phát triển bền vững, từ đó đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Cargill, C.P, và Nestlé là những ví dụ điển hình, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt và đưa thương hiệu Việt ra thị trường toàn cầu.
ĐỒNG NAI - ĐIỂM SÁNG THU HÚT FDI CỦA VIỆT NAM
Hiện nay, Đồng Nai đã vươn mình trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, kiên định với chiến lược thu hút FDI có chọn lọc. Tỉnh ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, và không đánh đổi hệ sinh thái cho tăng trưởng ngắn hạn. Những doanh nghiệp tiên phong như Nestlé và C.P đã đặt nền móng vững chắc, tạo tiền lệ cho hành trình phát triển bền vững của địa phương.
Với lợi thế về hạ tầng giao thông liên tục được đầu tư, kết nối quy mô cấp vùng, các khu công nghiệp, nguồn lao động dồi dào, cùng với chủ trương luôn đồng hành, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp FDI, Đồng Nai đã tạo ra lực hút hấp dẫn với doanh nghiệp mới và sự gắn bó bền chặt với rất nhiều doanh nghiệp đã đặt nền móng nhiều thập kỷ tại vùng đất này.
Tỉnh hiện có 33 khu công nghiệp trên tổng diện tích hơn 10.500 ha, thu hút hơn 1.600 dự án FDI từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký vượt 34 tỷ USD. Các quốc gia dẫn đầu như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, linh kiện điện tử và nông nghiệp chế biến thực phẩm.
Đồng Nai đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường, như Amata Group (Thái Lan) với Khu công nghiệp Amata City Đồng Nai – một mô hình khu công nghiệp xanh, thu hút các dự án công nghệ cao và sản xuất sạch. Samsung cũng mở rộng chuỗi cung ứng tại đây, thúc đẩy ngành điện tử theo hướng hiện đại hóa.
Vừa qua, Nestlé Việt Nam đã công bố khoản đầu tư 75 triệu USD (gần 1.900 tỷ đồng) để mở rộng nhà máy Nestlé Trị An tại tỉnh Đồng Nai.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm: “Chúng tôi rất vinh dự được đồng hành với sự phát triển của đất nước và tự hào về những đóng góp của Nestlé trong suốt 3 thập kỷ vừa qua tại Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục đầu tư để tạo ra giá trị và tác động tích cực cho người tiêu dùng, cộng đồng và môi trường.”

Ông Binu Jacob chia sẻ, khoản đầu tư mở rộng lần này là minh chứng cho niềm tin của Nestlé vào tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Với khoản đầu tư mới, tổng vốn dành cho nhà máy Trị An trong giai đoạn 2024 - 2025 đạt hơn 4.300 tỷ đồng, nâng tổng đầu tư của Nestlé Việt Nam lên gần 20.200 tỷ.
NESTLÉ TRỊ AN: BIỂU TƯỢNG CỦA CÔNG NGHỆ CAO VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tọa lạc tại Khu công nghiệp Amata, nhà máy Nestlé Trị An là hình mẫu của sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và sản xuất bền vững. Với các dây chuyền khử caffeine, chiết xuất cô đặc, hệ thống đóng gói tự động và kho thông minh 4.0, nhà máy không chỉ tối ưu hóa hiệu suất mà còn tiên phong trong bảo vệ môi trường.

Nestlé Trị An là một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trong khu vực của Tập đoàn.
Tại đây, Nestlé đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất với các giải pháp tiên tiến như biến bã cà phê thành nhiên liệu sinh khối, gạch không nung và phân vi sinh, giảm phát thải CO₂, và tuần hoàn nước trong sản xuất. Các sáng kiến này giúp giảm thiểu ô nhiễm và giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững. Đặc biệt, từ 2015, 100% nhà máy của Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu không rác thải chôn lấp. Hiện các loại rác thải trong quá trình sản xuất được đưa về kho tái chế và phân loại.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã trao tặng bằng khen và bức trướng “30 năm chung sức nâng tầm cuộc sống người Việt”, ghi nhận sự đồng hành bền bỉ của Nestlé.
Ông Dương Minh Dũng, Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Với chiến lược phát triển bền vững, công nghệ tiên tiến và sự quan tâm đến con người - môi trường - cộng đồng, Nestlé Việt Nam đã tạo ra hàng nghìn việc làm, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Chính quyền tỉnh Đồng Nai sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, mở rộng hoạt động, phát huy vai trò là nhà đầu tư hàng đầu, đồng thời lan tỏa những mô hình thành công và giá trị tích cực đến cộng đồng.”
Có thể nói, từ những ngày đầu đầy thử thách, khi hạ tầng còn chưa hoàn chỉnh, môi trường đầu tư còn nhiều bỡ ngỡ, đến vị thế ngày nay là trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng chiến lược, hành trình thu hút FDI của Việt Nam - đặc biệt tại Đồng Nai - là một minh chứng sống động cho sự chuyển mình mạnh mẽ, đầy bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn.
Không chỉ là câu chuyện của vốn đầu tư hay số lượng dự án, thành công kể trên còn thể hiện sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, giữa nhà đầu tư nước ngoài và người lao động Việt Nam. Từ những nền móng ban đầu, một thế hệ các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường đã hình thành, tạo ra giá trị kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.