Nét đặc sắc của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945

79 năm trước đây, sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trong không khí trang nghiêm của bài hát 'Tiến quân ca', dưới lá cờ đỏ sao vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân, với nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ với hơn 1.000 chữ, được sắp xếp trong 49 câu, nhưng bản Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, một văn bản có cơ sở pháp lý vững chắc, sắc bén, khẳng định quyền con người, quyền độc lập dân tộc, mở ra một giai đoạn lịch sử mới. Bản Tuyên ngôn độc lập 1945 có nhiều nét đặc sắc, trong đó, có hai nét đặc sắc chính xuyên suốt bản Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TTXVN

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TTXVN

Trước hết, bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định một cách hùng hồn quyền con người và quyền dân tộc luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Để làm sáng tỏ điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy hai dẫn chứng, đó là một dẫn chứng lấy trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và một dẫn chứng lấy trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào căn cứ pháp lý đó và suy rộng ra rằng, quyền con người gắn chặt với quyền dân tộc và gắn chặt với quyền tự quyết dân tộc, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Người đã khẳng định một cách hùng hồn rằng, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết, điều kiện đầu tiên để đảm bảo thực hiện quyền con người và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Chính vì sự tác động biện chứng đó nên bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng căn cứ pháp lý về quyền con người, quyền tự do độc lập thành giá trị mang tính thời đại. Có thể nói, bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

Cũng cần nói thêm rằng, với thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, tự do. Bằng tầm nhìn thời đại, trong phần kết thúc của bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Độc lập, tự do là khát vọng, là ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam, là vấn đề sống còn của dân tộc Việt Nam, là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam. Độc lập, tự do luôn luôn là nguyện vọng chính đáng của mỗi người sống trong cộng đồng dân tộc, là mục tiêu, động lực của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của kẻ thù xâm lược. Lời tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập...” đã nói lên ý chí, khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Nét đặc sắc thứ hai của bản Tuyên ngôn độc lập 1945 là nghệ thuật lập luận sắc bén được thể hiện rõ trong cách bố cục và sắp xếp ý của tác giả. Phần đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập xây dựng nền tảng pháp lý. Phần thứ hai đưa ra những bằng chứng thực tiễn. Cuối cùng, sau khi kết hợp cả hai yếu tố lý lẽ và thực tế, Người đã đưa ra lời tuyên bố hùng hồn, đầy tự hào, kiêu hãnh. Từ cách tổ chức của bài văn, người đọc thấy rõ tư duy mạch lạc, lập luận chặt chẽ trong nghệ thuật lập luận sắc bén và giàu tính thuyết phục của Người.

Cụ thể là: Đầu tiên, Người đã khéo léo trích dẫn các câu từ hai bản tuyên ngôn (Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791). Từ những trích dẫn này, Người đã khẳng định rõ ràng quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người. Những quyền này được coi là hiển nhiên, tất yếu và không thể xâm phạm, “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Rồi từ đó, Người đã mở rộng quan điểm, xem xét những quyền này không chỉ là của mỗi cá nhân, mà còn là của mỗi dân tộc. Bằng cách lập luận này, Người đã nâng cao quyền con người, quyền cá nhân lên một tầm cao mới, chúng trở thành quyền của mọi dân tộc. Như vậy, phương pháp lập luận của Người rất thuyết phục, bắt đầu bằng một tiền đề mạnh mẽ và không thể bác bỏ được. Cách lập luận giàu chất trí tuệ đó đã làm cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn độc lập.

Tiếp đó, Người đã lấy những dẫn chứng trong thực tế để chứng minh tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm đô hộ nước ta, những dẫn chứng được Người đưa ra rất cụ thể, rất tiêu biểu, về mọi mặt (chính trị, kinh tế...). Không những thế, Người còn khẳng định những thành quả của nhân dân Việt Nam trong quá trình chiến đấu: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Trong phần cuối, Người đã đi đến khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, Người cũng tuyên bố Việt Nam đã trở thành một quốc gia tự do, độc lập và khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Hai điều kiện này là cần thiết để lời tuyên bố độc lập của một dân tộc có sức thuyết phục. Sự xuất sắc trong lập luận còn được thể hiện qua nghệ thuật so sánh, liệt kê (để làm nổi bật sự tàn ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam). Qua cách sử dụng câu văn dài, chia thành nhiều phần trùng lặp về cấu trúc tạo ra giọng văn hùng hồn, dứt khoát, mạnh mẽ.

Trên đây là hai nét đặc sắc của bản Tuyên ngôn độc lập 1945. Bản Tuyên ngôn độc lập đã mở ra một trang mới trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Bản Tuyên ngôn độc lập cũng là một minh chứng cho nghệ thuật lập luận xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn Mạnh Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/net-dac-sac-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap-nam-1945-post480184.html