Nét đẹp bình dị trang phục truyền thống người Tày Xứ Lạng

Lạng Sơn là mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc với những địa danh lừng lẫy, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng và là quê hương của nhiều dân tộc ít người vùng Đông Bắc Việt Nam, trong đó điển hình là dân tộc Tày.

Theo số liệu thống kê trong cộng đồng các dân tộc ở Lạng Sơn, người Tày đứng ở vị trí thứ hai (sau người Nùng) với tổng số trên 282.000 người, chiếm 36,1% tổng số dân toàn tỉnh. Dân tộc Tày là dân tộc gốc của Lạng Sơn, cư trú ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Địa bàn có đông người Tày sinh sống nhất hiện nay là huyện Lộc Bình, Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn… Bên cạnh những nét văn hóa như ẩm thực, trò chơi dân gian, ngôn ngữ… đồng bào dân tộc Tày còn có một nét đẹp bản sắc riêng đó chính là trang phục truyền thống. Nếu trang phục người Dao, người Mông… khá cầu kỳ, nhiều màu sắc và chi tiết thì trang phục của người Tày Lạng Sơn lại có vẻ đẹp từ sự giản đơn, đem đến sự nền nã, duyên dáng. Đó là chiếc áo nhuộm chàm thuần túy, không thêu bất cứ họa tiết gì. Với nét đẹp bình dị và độc đáo đó, bộ trang phục đã trở thành biểu tượng văn hóa thể hiện cho tính cách giản dị, đôn hậu của những người con dân tộc Tày trên mảnh đất Xứ Lạng.

Trước đây, người Tày thường tự trồng bông, dệt vải. Sau này do sự phát triển của đời sống, phụ nữ Tày đổi qua mua vải mộc trắng ở chợ về nhuộm chàm, công đoạn nhuộm thông thường là từ tháng 8 (âm lịch) năm trước đến tháng 2 (âm lịch) năm sau.

Nhuộm chàm đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo của người phụ nữ. Vải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần cho đến khi nào sậm màu, ánh đen tím, vải đanh cứng mới thôi. Với cách thức hoàn toàn thủ công, người Tày nhuộm ra những tấm vải với màu sắc đặc trưng, thơm nồng hương chàm của núi rừng.

Phụ nữ Tày thường mặc áo dài may theo kiểu 5 thân, cài cúc ở nách, tà dài đến bắp chân có chiết eo gần giống áo dài của người Kinh; quần ống rộng, dài đến mắt cá chân. Khi mặc áo dài, phụ nữ Tày dùng thắt lưng quấn quanh eo, buộc và thả ra sau lưng.

Khăn vấn đầu của người phụ nữ Tày được làm thành một vòng tròn vừa với đỉnh đầu. Bên ngoài khăn vấn là khăn vải vuông. Khi đội, người ta gấp chéo khăn vuông lại, thắt mũi khăn về phía sau giống kiểu “mỏ quạ” của phụ nữ Kinh.

Đồ trang sức cũng là điểm nhấn quan trọng trong trang phục truyền thống của người Tày. Trang sức thường có hoa tai, nhẫn, vòng tay, vòng cổ, xà tích đều được làm bằng bạc. Đặc biệt chiếc vòng cổ của phụ nữ Tày được làm rộng hơn vòng cổ của một số dân tộc khác. Chiếc vòng bạc trắng nổi bật trên nền áo chàm đen làm tăng thêm sự đằm thắm của bộ trang phục.

Áo mặc thường ngày của nam giới người Tày là áo ngắn, được may bằng cách ghép 4 thân, hai thân trước và hai thân sau, xẻ ngực, hai bên nẹp áo đính hàng cúc vải, cổ tròn, dựng cao, tay áo dài, hẹp ống. Quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa.

Ngoài ra, đàn ông Tày còn mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hoặc cúc đồng. Quần cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ dài vừa phải tới mắt cá chân. Khăn đội đầu màu chàm quấn trên đầu theo lối chữ nhân.

Trang phục dân tộc Tày tuy đơn giản nhưng cũng tạo ra nét riêng biệt. Nó mang lại cho người mặc vẻ đẹp thuần khiết. Hiện nay, trang phục dân tộc Tày vẫn được lưu giữ và truyền lại từ đời này qua đời khác.

Trang phục truyền thống đã in sâu vào trong lối sống và là niềm tự hào của người dân tộc Tày. Dù cuộc sống đang từng ngày đổi thay, nhưng mỗi người con sinh ra và lớn lên mang trong mình dòng máu dân tộc Tày đều mong muốn giữ cho mình một bộ trang phục cổ truyền để mặc trong những dịp đặc biệt hay trong mùa lễ hội.

DƯƠNG THỊ THÙY LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/net-dep-binh-di-trang-phuc-truyen-thong-nguoi-tay-xu-lang-1644171.html