Nét đẹp độc đáo của đền thờ Hoàng đế Quang Trung

Nằm trọn trong rừng thông thơ mộng, đền thờ Hoàng đế Quang Trung là một địa chỉ văn hóa tâm linh uy nghi và mang nhiều nét huyền bí cùng cảnh quan tuyệt đẹp.

Đây cũng là địa chỉ đỏ để nhắc nhớ mọi tầng lớp nhân dân về những nhân vật lịch sử anh hùng cùng trang sử đầy tự hào, vẻ vang của lịch sử đất nước.

Đền thờ vua Quang Trung tọa lạc trên núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An). Ngôi đền nằm trọn trong rừng thông thơ mộng có độ cao 97m so với mặt nước biển. Từ trên đền nhìn xuống có thể ngắm toàn cảnh thành phố Vinh, núi Hồng sông Lam, biển Cửa Lò…

 Đền thờ vua Quang Trung tọa lạc trên núi Dũng Quyết, nằm trọn trong rừng thông thơ mộng.

Đền thờ vua Quang Trung tọa lạc trên núi Dũng Quyết, nằm trọn trong rừng thông thơ mộng.

Theo các tài liệu ghi lại, sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là chọn đất đóng đô cho vương triều mới. Sau nhiều lần ghé chân qua Nghệ An, thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt nên ông đã hạ chiếu cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Viện trưởng Sùng chính Thư viện xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” viết, vua Quang Trung trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, đắp thành đất xung quanh và sai quân lính đào đá ong tại địa phương để xây thành trong, dựng tòa 3 tầng cùng hai dãy hành lang.

Khi Phượng Hoàng Trung Đô vừa xây xong, kế hoạch dời đô từ Phú Xuân (Huế) ra Vinh (Nghệ An) còn dang dở thì hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Ngày nay trên nền lầu rồng cũ, Bia dẫn tích Phượng Hoàng Trung Đô đã được lập nên để ghi dấu về địa điểm mà xưa kia kinh thành tọa lạc.

Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Huệ - Quang Trung trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no cho dân tộc Việt Nam. Đây là vùng đất có địa thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, nằm giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân.

Quần thể di tích danh thắng núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô được Bộ VH&TT công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia từ năm 1962. Đến năm 2005, thể theo nguyện vọng của nhân dân và tỏ lòng biết ơn vị anh hùng áo vải, di tích đền thờ Hoàng đế Quang Trung được khởi công xây dựng. Đến năm 2008, công trình có ý nghĩa lịch sử này được khánh thành nhân kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô.

Đền nằm trên núi Dũng Quyết nên để đi lên, du khách sẽ men theo 1 km đường núi quanh co uốn lượn, được tận hưởng không khí trong lành. Bước lên theo 81 bậc tam cấp, kiến trúc ngôi đền hiện ra uy nghi bề thế và cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam.

 Đền có qui mô lớn, khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp.

Đền có qui mô lớn, khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp.

Đền có qui mô lớn, khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp; có tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, cổng tam quan, các đồ lễ tế khí… được phục chế theo văn hóa thời nhà Nguyễn. Đây là một công trình văn hóa tâm linh gắn với du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng niệm công ơn của Hoàng đế Quang Trung và thưởng ngoạn cảnh quan một vùng văn vật có sông núi hữu tình, đậm đà bản sắc xứ Nghệ.

Bước chân vào khu vực đền là nghi môn tứ trụ, gồm 1 cổng lớn và 2 cổng nhỏ đối xứng ở hai bên; cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài… Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Lối đi, bó vỉa, sân đền được lát đá Thanh Hóa tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn.

Hàng năm, vào những dịp lễ trọng hay ngày Tết, du khách thập phương lại đến đây để hưởng thụ những giá trị văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí tĩnh mịch linh thiêng của ngôi đền.

Giữa thành Vinh tấp nập, đền thờ Hoàng đế Quang Trung được ví như viên ngọc xanh giữa lòng phố thị. Ngôi đền trở thành địa điểm du lịch tâm linh của du khách thập phương khi về với Nghệ An. Đây còn là địa chỉ đỏ để nhắc nhớ cho thế hệ trẻ và mọi tầng lớp nhân dân về những nhân vật lịch sử anh hùng cùng trang sử đầy tự hào, vẻ vang của lịch sử đất nước.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/net-dep-doc-dao-cua-den-tho-hoang-de-quang-trung-post260190.html