Nét đẹp nghề đan lát của đồng bào Khmer

Cũng như các cộng đồng dân tộc khác, đồng bào Khmer luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và truyền lại cho con cháu. Bên cạnh các lễ hội đặc sắc, trang phục độc đáo, những điệu múa làm xao xuyến lòng người thì nghề đan lát - một nghề lâu đời, đến nay vẫn được đồng bào Khmer lưu giữ, tạo nên những nét riêng biệt.

Giữ nghề

Gắn bó với nghề đan lát truyền thống đã 50 năm, giờ đây, ông Lâm Kim (hơn 70 tuổi) ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh vẫn say mê với nghề. Với ông, việc duy trì nghề đan lát không chỉ để cải thiện đời sống gia đình mà còn nhằm truyền dạy thế hệ con cháu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Ông Lâm Kim chia sẻ: Tôi chỉ sợ không có sức làm, chứ còn sức thì còn gắn bó với nghề. Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại khiến nghề đan lát truyền thống ít người tham gia. Do đó, tôi phải truyền lại cho con cháu để giữ nghề.

Nghề đan lát được đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh truyền dạy nhau nên sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, đẹp mắt để phục vụ đời sống và đáp ứng nhu cầu thị trường

Nghề đan lát được đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh truyền dạy nhau nên sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, đẹp mắt để phục vụ đời sống và đáp ứng nhu cầu thị trường

Theo người dân địa phương, nghề đan lát không biết có tự bao giờ, chỉ biết từ lúc cha sinh mẹ đẻ đã có nghề này và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác. Đây là nghề truyền thống, là nét đẹp văn hóa của đời sống cộng đồng người Khmer. Chị Thị Sứ ở cùng ấp Sóc Lớn cho biết, khi lớn lên chị đã thấy cha mẹ mình đan lát những vật dụng dùng cho sinh hoạt gia đình thường ngày. Rồi nghề đan lát đến với chị cũng tự nhiên như thế, chị chỉ nhìn rồi bắt chước làm theo. Ngày qua ngày, chị đã biết đan những chiếc rổ, rá đơn giản rồi đến các dụng cụ phức tạp. Chị Thị Sứ bày tỏ: “Nghề đan lát truyền thống của dân tộc, chúng tôi lớp sau học lớp trước làm theo và cũng giáo dục con cháu học, giữ gìn, phát huy để nghề truyền thống không bị mai một”.

Phát triển nghề truyền thống

Nguyên liệu sử dụng đan lát là tre lồ ô. Theo người dân, mặc dù nguyên liệu đều sẵn có trong tự nhiên và tự trồng được nhưng khâu chọn lựa để tạo ra sản phẩm đan lát đẹp, bền thì không dễ. Người làm nghề phải biết chọn những cây tre có độ dẻo, dài suôn, cây không già hoặc non quá, không cụt ngọn. Khi mang tre về nhà không được để quá lâu vì cây khô sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp. Nói về quy trình làm thành phẩm, ông Lâm Côm ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết: “Để làm ra một sản phẩm, bình quân mỗi người thợ phải mất từ 2-3 ngày, từ công đoạn chẻ, vót nan rồi đan thành phẩm. Với những sản phẩm khó, thời gian làm sẽ lâu hơn. Vậy nên, một sản phẩm khi hoàn thành chứa đựng rất nhiều công sức, tình cảm của người đan trong đó”.

Mặc dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông Lâm Kim vẫn miệt mài truyền nghề đan lát cho thế hệ sau

Mặc dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông Lâm Kim vẫn miệt mài truyền nghề đan lát cho thế hệ sau

Những sản phẩm đan lát sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, như: thúng, rổ, giỏ tỉa hạt, đơm bắt cá... đặc biệt các loại gùi với mẫu mã và công dụng khác nhau, người đan đã trau chuốt tỉ mỉ trong từng mũi đan, kỹ lưỡng trong việc phơi nan, khéo tay trong nhuộm màu. Mỗi công đoạn đều có một quy trình mà nếu không kiên trì thì không theo được. “Với phụ nữ và những người lớn tuổi, đan lát là công việc khá phù hợp khi không tốn nhiều sức lao động, có thể chủ động về thời gian lại kiếm thêm thu nhập cho gia đình; quan trọng hơn đây là nghề của dân tộc mình thì không bỏ được nên cứ học và duy trì nghề” - chị Thị Tôn ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh bộc bạch.

Nghề đan lát truyền thống tuy không đem lại thu nhập cao nhưng đây lại là một nghề có giá trị văn hóa, giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số

Nghề đan lát truyền thống tuy không đem lại thu nhập cao nhưng đây lại là một nghề có giá trị văn hóa, giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số

Chất lượng sản phẩm tốt, bền, đẹp, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, song sản phẩm đan lát của bà con làm ra vẫn ít và những người đan lát cũng không còn nhiều. Tháng 12-2020, Vụ Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Lộc Ninh tổ chức lớp truyền dạy và thực hành mô hình đan lát truyền thống của người Khmer trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Lộc Khánh. Sau khi lớp học tổ chức thành công, Lộc Khánh đã thành lập tổ đan lát với hơn 30 thành viên. Đến nay, tất cả thành viên đều duy trì việc đan lát. Đây cũng là động lực để bà con “giữ lửa” với nghề, giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc Khmer.

Đan lát là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Chúng tôi là những thế hệ đi trước nên chủ động giáo dục con cháu, lớp trẻ giữ nghề cha ông để lại, tạo ra các sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Hiện tổ đan lát có hơn 30 thành viên. Chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ biết phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình, có như thế văn hóa truyền thống của người Khmer mới tiếp tục được truyền nối.

Ông LÂM NGÔN
Tổ trưởng Tổ đan lát ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh

Qua bàn tay khéo léo của người đan, những cọng nan dần trở thành sản phẩm đan lát rất gần gũi và cần thiết trong đời sống gia đình, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua mỗi sản phẩm, người đan đều thể hiện tình cảm, mang đậm nét văn hóa của người Khmer, cũng như mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ học tập, gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.

Anh Ngọc - Ảnh: Trương Hiện

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/143330/net-dep-nghe-dan-lat-cua-dong-bao-khmer