Nét đẹp tảo mộ đầu xuân
Sáng mồng 4 Tết, bầu trời xứ Huế nắng lên dịu nhẹ như chiều lòng người. Không khí se lạnh, tiết trời tạnh ráo đón chào ngày xuân rực rỡ sắc vàng ươm phủ tràn mọi nẻo. Phố phường thinh lặng sau cơn mưa dầm dề và cơn lạnh tái tê bỗng chộn rộn hơn trên con đường rộng thênh thang lấp lánh sắc màu áo mới tinh khôi.
Có một chốn lao xao chẳng kém gì thành thị: Nghĩa trang nhân dân thành phố. Người Huế thường dành khoảng thời gian sau ánh bình minh đón chào năm mới để thăm viếng mộ phần người thân. Như một cách tưởng nhớ người đi xa, một sự quan tâm dịu dàng từ tâm tưởng với người đã khuất.
Mấy hôm rồi mưa dầm, rét phủ nên bao người lần lựa đợi hôm tạnh ráo ấm áp đèo bồng, dìu dắt bầy trẻ nhỏ lên viếng mộ người thân. Dù hoạt động tảo mộ đã diễn ra trước đó mấy ngày để quét tước, sửa sang, chỉnh trang mộ phần nhưng đa phần mọi người vẫn dành những buổi sáng đầu tiên để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người thân.
Con đường duy nhất dẫn vào khu nghĩa trang tấp nập dòng xe cộ xuôi ngược. Dòng xe ken đặc nhích dần từng chút một, cố nhường đường cho nhau hòa vào dòng chảy của lòng biết ơn, thành kính hướng về tổ tiên, ông bà.
Từng gia đình nhỏ dừng xe hai bên đường, dắt dìu nhau bước lên từng bậc cấp tìm đến mộ phần người thân. Mùi nhang trầm thơm ngát tỏa hương, bó hoa tươi rực rỡ nâng niu cắm vào lọ, thêm đĩa trái cây hoặc hộp bánh đơm đặt vào đĩa. Và những câu chuyện về người đi xa được khơi lên, nhớ thương và trân trọng…
Mấy bạn nhỏ nghiêm trang chắp tay khấn vái, xin bình an và hạnh phúc, mong sức khỏe và học giỏi thấy thương vô cùng. Có nhóm nhỏ chưa kịp tảo mộ trước tết loay hoay cởi áo ngồi thụp xuống nhổ cỏ, vạt cây chắn lối. Nén nhang thơm theo tay người kính cẩn đi khắp “nhà láng giềng”, san sẻ sự quan tâm và gắn kết.
Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau, không có ai bị lãng quên trong tâm trí người ở lại. Chừng nào nếp nhà còn duy trì sợi dây kết nối các thế hệ và gắn chặt mối bận tâm của từng thành viên vào việc gìn giữ mạch ngầm liên kết với ông bà tổ tiên, họ hàng thân tộc thì chúng ta vẫn vững dạ vững lòng tin tưởng son sắt vào chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ tình kết tinh trong cách sống của người Việt.
Quê bạn thế nào chứ ở quê tôi, cứ nửa sau tháng Chạp là người người xôn xao nhắc nhở nhau ngày tảo mộ. Bận bịu đến đâu, trăm công ngàn việc dồn dập vẫn cắt cử người trong nhà chia đều các đầu việc: dọn dẹp bàn thờ dòng họ, chuẩn bị lễ cúng, phát quang cỏ dại, sơn sửa mộ phần…
Chúng tôi hồi còn là bầy trẻ con bé tí cũng líu ríu ra đồng, khệ nệ bưng bê đỡ phụ người lớn, lúc là thúng hoa quả, lúc là khay cau trầu, lúc là giỏ đựng nhang đèn. Đường quê gập ghềnh, lối cỏ trơn trượt chẳng cản được bước chân ham vui, mê chơi, ưa khám phá của đám con nít. Loanh quanh một hồi, cả đám trẻ được phân công nhổ cỏ. Tay với từng vạt cỏ mà miệng lưỡi huyên thuyên chẳng dứt về muôn chuyện trên trời dưới đất, vui thật!
Thời gian vun vút qua tự hồi nảo hồi nao, giờ đám trẻ xưa đã trưởng thành xuôi ngược khắp muôn nơi. Dù vậy, người ở lại vẫn miệt mài gìn giữ nếp xưa, cần mẫn vun đắp nếp nhà, nao nao ngóng đợi bước chân đứa con xa, mong chờ bóng dáng đứa cháu tha phương…
Mỗi năm, thêm một tuổi mới. Dòng chảy cuộc đời đẩy ta xuôi về muôn nẻo. Dẫu vậy, lòng vẫn nhắc lòng mỗi năm ít nhất đôi ba lần xuôi về thắp nén nhang thơm tưởng nhớ người đi xa, nối dài lòng biết ơn, sự tưởng nhớ và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Nắng đang lên rực rỡ hơn, thêm một ngày đầu năm mới ngập tràn niềm tin về những đổi thay tích cực trong công việc, gia đình, học hành…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/net-dep-tao-mo-dau-xuan-post726679.html