Nét đẹp tết Hàn thực ở Tân Sơn

PTĐT - Theo truyền thống của người Mường ở huyện Tân Sơn nói chung và xã Tân Phú nói riêng, cứ vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức ăn tết Hàn thực với những món bánh mang đậm hương vị núi rừng.

Những người phụ nữ trong gia đình bà Giang ở Tân Phú làm bánh trứng kiến

Những người phụ nữ trong gia đình bà Giang ở Tân Phú làm bánh trứng kiến

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch, bà Hoàng Thị Hương Giang ở khu 5 xã Tân Phú lại chuẩn bị gạo nếp, nghiền bột, lá cây làm màu nhuộm để chuẩn bị cho ngày tết Hàn thực của gia đình. Cũng như mọi năm, các món là xôi ngũ sắc, bánh trôi ngũ sắc, cơm lam, bánh trứng kiến… Các món xôi, bánh làm ra trước hết là để dâng lên ông bà, Tổ tiên, sau đó là làm quà biếu.

Cơm lam ngũ sắc

Cơm lam ngũ sắc

Bà Giang kể với chúng tôi “Bánh làm ra trước hết là để thắp hương gia tiên, sau đó là làm quà biếu cho nhà thông gia. Người Mường chúng tôi theo phong tục, trong ba năm có con dâu mới, năm nào cũng phải làm bánh trôi, bánh kiến, cơm lam để mang sang biếu, tặng thông gia với thông điệp cảm ơn nhà thông gia đã cho gia đình mình thêm một người con tốt. Khi mang bánh đến nhà thông gia thì họ nhận xong cũng dùng làm vật dâng lễ Tổ tiên, vì thế khi chúng tôi làm bánh đều dành nhiều tâm sức để cho bánh, xôi, cơm lam thật mềm, dẻo và màu sắc thật đẹp để bày tỏ lòng thành”.

Bánh trôi ngũ sắc

Bánh trôi ngũ sắc

Cùng người thân thổi xôi, làm bánh và rồi cùng nhau thưởng thức ta như cảm nhận được nhân tình thế thái. Nhiều người truyền tai nhau rằng, ăn bánh trôi bánh chay vào ngày này để ôn lại những chuyện xưa cũ, chuyện một thời đã xa của dân tộc. Chị Hà Thị Thanh Thùy, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Phú, huyện Tân Sơn cho biết: “Trong những năm qua, Hội LHPN xã Tân Phú tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, hội viên duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc đặc biệt là trang phục của người Mường, các loại hình văn hóa dân gian truyền thống như đâm đuống, múa mỡi…, trong văn hóa ẩm thực thì tổ chức tết Hàn thực hằng năm, bà con nhân dân cũng như cán bộ, hội viên duy trì tết Hàn thực như làm bánh trôi, bánh kiến, mâm cơm ngũ sắc thờ cúng ông bà tổ tiên, sau đó là làm quà biếu, tặng và cả gia đình có thêm một ngày sum vầy, hội tụ.”Cũng có tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Mẹ Âu Cơ, viên bánh nhỏ tượng trưng cho quả trứng. Theo quan niệm của người Mường bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.Truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn thực, người người nhà nhà ở huyện Tân Sơn lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, cơm lam, bánh kiến, làm cho không khí tết trở nên sôi động và ý nghĩa hơn bởi toàn bộ nguyên liệu, sắc màu đều từ núi rừng, đồng ruộng do chính người dân làm ra.

Hồng Nhuận (Đài TT Tân Sơn)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202104/net-dep-tet-han-thuc-o-tan-son-176380