Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Mông
Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông rất sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh mất nhiều thời gian, công sức của các bà, các mẹ, các chị và những người thợ. Sự tài tình của phụ nữ Mông là họ có thể làm ra những bộ trang phục của dân tộc mình bằng chính đôi bàn tay khéo léo.
Hang Kia, Pà Cò là hai xã dân tộc Mông thuộc huyện Mai Châu với 1.283 hộ, chiếm 97% dân số, trong đó, xã Hang Kia 685 hộ, xã Pà Cò 598 hộ. Bà con luôn chú trọng gìn giữ những giá trị văn hóa đậm bản sắc dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống.
Bộ quần áo của phụ nữ Mông gồm khăn quấn đầu, khăn len (cũng là khăn đội đầu) được dệt bằng tay, váy, yếm thêu bằng tay. Trang phục đính những hạt cườm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Để may thô 1 bộ quần áo khoảng 3 - 4 ngày, phần thêu hơn 2 tuần. Bộ nào cầu kỳ cũng đến 1 tháng.
Em Sùng A Lan, xóm Thung Mặn, xã Hang Kia cho biết: Em 15 tuổi nhưng đã thông thạo cách thêu váy áo thổ cẩm của dân tộc mình. Từ bé, thấy bà và mẹ thêu thùa, em rất thích. Hơn 10 tuổi, em được mẹ dạy cho những nét thêu đầu tiên, từ đó, ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em đều mày mò, tự học hỏi thêm. Đến nay, em đã có thể tự thêu, may trang phục cho mình và cho cả gia đình. Lan nhớ như in, bà, mẹ vẫn bảo, con gái Mông ai cũng phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa, đó cũng là tiêu chuẩn để lấy chồng.
Chiếc váy của phụ nữ dân tộc Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc mà còn mang tính thẩm mỹ. Váy được trang trí đẹp, là thước đo độ khéo tay của phụ nữ Mông. Vẻ đẹp của váy là một tác phẩm văn hóa, gắn chặt nhu cầu của đời thường với nhu cầu thẩm mỹ. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục thiên về màu sắc. Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên váy áo của người Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo, khác biệt so với một số dân tộc khác.
Đồng chí Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết: Trước đây, phụ nữ Mông chỉ thêu thùa bằng tay, sau này các gia đình có điều kiện mua thêm chiếc máy may để may vá, hỗ trợ làm ra những bộ trang phục đẹp mắt, tốn ít thời gian hơn. Một bộ trang phục của người Mông khá đắt tiền, bình thường cũng từ 2 - 3 triệu đồng, nên nếu làm bán cũng tạo được nguồn thu nhập cho nhiều gia đình. So với các mặt hàng khác, việc buôn bán trang phục của người Mông cho thu nhập cao hơn, nhiều hộ trong xã đã có kinh tế ổn định từ việc bán mặt hàng này".
Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong các khâu dệt vải và tạo hoa văn trên vải hay các sản phẩm từ vải, người Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng, biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau, tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt.
Đồng chí Giàng Y Dua, Chủ tịch Hội LHPN xã Hang Kia chia sẻ: Hoa văn trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông ngoài biểu hiện tâm tư, tình cảm thì đối với các cô gái, đó còn là tiêu chuẩn đánh giá khả năng, phẩm hạnh của người phụ nữ. Người phụ nữ giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái Mông được mẹ đẻ tặng 1 - 2 bộ váy áo như của hồi môn. Bởi vậy, váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ, cũng vì thế đối với thiếu nữ, việc học thêu thùa là một bổn phận như phải lo cái mặc cho gia đình. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục thêu in nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng con mặc đẹp.
Đồng chí Hà Thị Hòa, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: "Để giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ những nghệ nhân truyền dạy nghề để đưa sản phẩm trang phục phụ nữ Mông trở thành sản phẩm du lịch, gắn với bảo tồn các nét đẹp văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH cũng như tăng thu nhập cho người dân".
Thu Hường
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/159204/net-dep-trang-phuc-phu-nu-dan-toc-mong.htm