Nét đẹp trong đám cưới của người Dao
Dân tộc Dao là một trong 54 dân tộc anh em đang sống trên dải đất Việt Nam, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn.
Dân tộc Dao có nhiều nhóm địa phương, như: Dao quần trắng, Dao quần chẹt, Dao Tiền, Dao Thanh Y, Dao Lô Gang, Dao Đỏ... và có nhiều tên gọi khác: Mán, Động, Trại, Đại Bản, Tiểu Bản v.v. Người Dao ở Cao Bằng có hai nhánh Dao đỏ và Dao tiền. Người Dao đỏ sống ở ven chân núi, nghề chủ yếu là làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người Dao đỏ ở Cao Bằng là một trong những tộc người còn ít nhiều giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, đặc biệt là những nét độc đáo trong đám cưới.
Cũng như nhiều dân tộc anh em, người Dao đỏ cũng tìm hiểu nhau qua gặp gỡ, hò hẹn trong các lễ hội. Khi người con trai quý mến thiếu nữ nào đó, sẽ nói với cha mẹ sang nhà cô gái để thưa chuyện. Nếu bố mẹ cô gái đồng ý, nhà trai tiếp tục sang xin “mệnh”, lấy ngày tháng, năm sinh của cô gái về nhờ thầy xem có hợp nhau hay không. Mọi điều đều thuận lợi, nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật, trong đó có chỉ thêu sang nhà gái xin hỏi dâu.
Nhà trai mang gà, rượu, thịt sang nhà gái đưa đồng bạc trắng, tùy từng địa phương số tiền thách cưới là 1,20 hoặc 30 đồng bạc hoa xòe. Số bạc này nhà gái dùng để chuẩn bị quần áo, tư trang để cô dâu về nhà chồng. Từ khi ăn hỏi đến khi cưới khoảng 1 năm để cô gái phải thêu thùa quần áo cưới.
Với người Dao đỏ ở Cao Bằng, khi phụ nữ Dao đỏ đi lấy chồng thường sắm trang sức rất nhiều, nhất là vòng bạc có từ 5 - 7 vòng, vòng tay 2 đến ba chiếc tất cả đều bằng bạc trắng. Trọn một bộ trang sức trắng đen 7 ki lô gam; ngoài ra còn có dây xà tích treo bên hông có chùm hoa bạc. Trang phục nam cũng đơn giản, gam màu đen, áo du kích, quần ống rộng, đầu đội khăn xếp rộng vành.
Để báo hỉ cho khách đến dự đám cưới, hai bên gia đình dùng vỏ quả bầu khô cắt ra từng viên nhỏ như hạt bầu nhuộm bằng màu hồng. Người thân thường cho hai hạt (nghĩa là người được nhận hạt vỏ bầu này được mời thêm một người nữa, thường là vợ hoặc chồng). Bao nhiêu khách thì chuẩn bị bấy nhiêu hạt (việc dùng vỏ quả bầu cắt nhỏ để báo hỉ có liên quan đến sự tích chuyện nạn hồng thủy của người Dao).
Trước giờ đưa dâu, một nghi lễ cúng tế được thực hiện, cô dâu từ buồng ra mặc trang phục ngày cưới, cổ và tay đeo vòng bạc, trên đầu chùm chiếc khăn đỏ to che kín mặt, đứng trước bàn thờ để thầy làm lễ, phù phép. Lễ vật cúng tế đơn giản, gồm 1 con gà, vàng mã, 5 chén rượu. Thầy trình báo tổ tiên, ma nhà rằng, từ hôm nay cô gái không phải người gia đình này nữa mà bắt đầu thành người của một nhà khác, cầu xin có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc bên gia đình mới. Xong lễ, người thổi kèn trước bàn thờ chúc mừng gia đình, tiễn biệt tổ tiên lên đường.
Cô dâu mặc trang phục ngày cưới, cổ và tay đeo vòng bạc... Trên đầu trùm chiếc khăn đỏ to che kín mặt. Cô phù dâu bên cạnh có nhiệm vụ che ô cho cô dâu đi đường và phụ giúp cô dâu trong quá trình hành lễ từ nhà gái sang nhà trai. Trong đoàn săn cha có một người thổi Phằn tỵ (kèn). Trên đường đi qua các bản, người thổi kèn thổi các bài ca chào bản chào mường, mừng cưới theo điệu vui vẻ.
Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân trên đường, người nhà gái thổi kèn để báo hiệu cho nhà trai về báo trước. Nhà trai cử một đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Tại khu vực cổng, gần nhà trai một chiếc lán dựng lên, có đầy đủ bàn ghế để đón đoàn nhà gái.
Người Dao quan niệm, khi cô dâu đi đường có thể các loại ma, ngoại thần bám theo nên trước khi vào nhà, thày tào phải làm lễ trừ tà quỷ. Cô dâu được phù dâu che ô và dắt vào trước cửa nhà, cô dâu vẫn quay mặt ra ngoài. Nhà trai lấy một chậu nước trên chậu đặt một con dao, một đôi giầy mới, chuẩn bị ba cành đào hoặc ba cọng gianh tươi (dùng để đuổi tà). Thầy miệng ngậm nước phép, phù nước ra phía cửa đoạn cầm ba nhành đào từ trong nhà qua trên đầu cô dâu. Xong động tác này, cô dâu bước vào nhà dừng trước chậu nước bỏ đôi giầy cũ ra dơ chân qua trên chậu nước, con dao đặt trên chậu nước được bỏ ra. Một bé trai hoặc bé gái của nhà trai rửa chân cho cô dâu và xỏ giầy mới vào chân cho cô dâu.
Sau đó, cô dâu được đưa vào buồng, chậu nước được bê vào đặt dưới gầm giường cô dâu để đó ba ngày mới đổ đi. Đám cưới được tổ chức hai ngày hai đêm. Đêm đó, các cô gái chàng trai đôi bên được dịp trổ tài hát Páo Dung. Càng về khuya lời Páo Dung càng da diết, lũ trẻ mong mình lớn lên để được hát Páo Dung, người già như thấy mình trẻ lại, thần rừng thần cây nghe nuốt lấy từng câu cất vào lòng để rồi mai này nếu người Dao có quên hát Páo Dung thần sẽ nhắc lại...
Cô dâu về nhà chồng được 3 ngày sau cưới, cô dâu cùng chú rể và đoàn nhà trai lại sang nhà gái làm lễ lại mặt. Đoàn gồm đôi vợ chồng trẻ, một số thanh niên nam, nữ. Nhà trai mang theo 20 kg thịt lợn đã nấu chín, rượu, gạo mời cơm họ hàng bà con thân cận của nhà gái.
Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao đỏ, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hóa, về lịch sử và giáo dục. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa là việc làm cần thiết góp phần làm phong phú những sinh hoạt văn hóa của các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.