Nét đẹp 'Tuần lễ áo dài'
“Tuần lễ áo dài" năm 2024 được phát động chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024), 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài", công chức, viên chức, người lao động nữ trên địa bàn tỉnh hân hoan khoác lên mình những bộ áo dài duyên dáng - trang phục mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc Việt Nam.
Những ngày làm việc đầu tháng 3, Trụ sở Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khác với thường ngày, vì 100% công chức, viên chức nữ đều mặc trang phục áo dài truyền thống hoặc áo cóm trang phục dân tộc của đồng bào dân tộc Thái đến công sở.
Bà Hoàng Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên Phụ nữ Thành phố, cho biết: Trong “Tuần lễ áo dài”, ngoài việc vận động hội viên mặc áo dài, áo dân tộc, Hội phụ nữ các cấp còn tổ chức nhiều hoạt động đa dạng phù hợp với từng đơn vị cơ sở, như: Tọa đàm, gặp mặt, ôn lại truyền thống lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ lồng ghép với truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam...
Trong những ngày này, các nữ chiến sĩ quân đội, biên phòng, công an nhân dân thay bộ quân phục trang nghiêm bằng bộ áo dài thướt tha, mềm mại, tôn thêm vẻ đẹp của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Chị Lò Hồng Nhung, cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh, chia sẻ: Các nữ quân nhân ngày thường nhìn ai cũng giống nhau, vì mặc quân phục khi làm nhiệm vụ. Dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị em mới diện trang phục áo dài, trông ai cũng duyên dáng, mềm mại, nữ tính.
Những ngày này, các công sở hay các tuyến phố rực rỡ hoa ban... dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ nữ mặc trang phục áo dài truyền thống, áo dài cách tân, trang phục độc đáo của các dân tộc thiểu số... Quảng trường Tây Bắc, luôn là địa điểm được các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, nhóm, hội phụ nữ lựa chọn đến tham quan, lưu giữ lại những bức ảnh đẹp nhân dịp “Tuần lễ áo dài” năm 2024.
Năm nay, kiểu dáng áo dài rất đa dạng, từ truyền thống, tới trang phục áo dài cách tân với vô vàn họa tiết, màu sắc, chất liệu đa dạng dành cho mọi độ tuổi khác nhau. Trong khi những người trẻ ưa chuộng áo dài cách tân với họa tiết trẻ trung, nhiều màu sắc, thì lứa tuổi trung niên thích áo dài mang phong cách cổ điển, tối giản, màu sắc nho nhã nhưng sang trọng. Sự chuyển giao giữa các thế hệ, sự cộng hưởng ở nét đẹp truyền thống và hiện đại đã làm cho tà áo dài Việt Nam sống mãi với thời gian.
Tôn vinh phái đẹp nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, cùng các cấp Hội phụ nữ còn tổ chức các hoạt động tọa đàm, kỷ niệm, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục, thể thao... Bà Hoàng Thị Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chiềng Lề, chia sẻ: Hội đã chỉ đạo các chi hội tổ chức cho hội viên đi tham quan, du lịch, mặc trang phục áo dài, áo cóm, trang phục dân tộc, một số chi hội tổ chức giao lưu dân vũ, văn hóa văn nghệ thể dục thể thao, tọa đàm gặp mặt, hái hoa dân chủ để động viên chị em.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của dân tộc, biểu trưng cho nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam, dù thời trang hiện đại đang không ngừng phát triển nhưng không có trang phục nào có thể thay thế được tà áo dài.
Sự tham gia hưởng ứng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ và nhân dân trong “Tuần lễ áo dài” cho thấy những hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng trong việc giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của tà áo dài Việt Nam. Vượt qua giá trị trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến vai trò quan trọng hơn, đó là sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, “đại sứ” quảng bá hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/net-dep-tuan-le-ao-dai-KYCNPp0Sg.html