Nét đẹp văn hóa của bộ tộc hiếu khách
Người Chukchi sống trên bán đảo Chukotka (thuộc khu tự trị của Nga) vẫn luôn được biết đến là bộ tộc hiếu khách, với những nét đẹp văn hóa truyền thống được duy trì trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, khai thác mỏ và việc lạm dụng các máy móc công nghiệp đang ảnh hưởng nặng nề đến môi trường bán đảo, đặt ra bài toán đối với chính quyền địa phương trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống.
Người Chukchi nổi tiếng hào hiệp và tốt bụng, đang sinh sống trên bán đảo Chukotka, khu vực thưa dân nhất của Nga. Vào thế kỷ 16, các bộ lạc du mục đến Chukotka với nghề chăn nuôi tuần lộc, sống chủ yếu trong các đồng bằng cằn cỗi. Mãi sau này, người Chukchi mới hướng ra biển và đánh bắt hải sản. Thăm vùng đất này vào mùa thu, du khách có thể tham gia các phiên chợ trao đổi sản vật tự nhiên. Các loại hải sản, rong biển được mang lên bờ để đổi lấy áo choàng da thú, xúc xích, rau củ từ đất liền.
Áo choàng kerker là vật dụng tạo được sức hút lớn trong các cuộc ngã giá. Là trang phục truyền thống của người Chukchi, loại áo choàng này dài tới đầu gối, được làm từ da tuần lộc hoặc hải cẩu, được trang trí bằng lông cáo, chó sói. Nơi đây cũng nổi tiếng với tượng điêu khắc hay tác phẩm chạm trổ trên xương và ngà hải mã, với các chủ đề được lấy cảm hứng từ khung cảnh thiên nhiên hay hoạt động thường ngày như đi săn, đi biển…
Tại Chukotka, người bản địa chỉ chiếm khoảng 25% dân số. Số còn lại là những người ở nơi khác đến làm ăn và quyết định ở lại. Môi trường sống khắc nghiệt với cái lạnh có lúc xuống tới âm 50 độ C khiến cuộc sống nơi đây gặp nhiều khó khăn, song sự rộng lượng và lòng tốt luôn là những phẩm chất được đề cao ở người Chukchi. Họ không từ chối cho người khác chỗ trú chân và thức ăn, kể cả người lạ. Trong văn hóa của người Chukchi, việc từ chối giúp đỡ là điều cấm kỵ.
Không khó để bắt gặp hình ảnh các đoàn khách ngồi xe kéo phía sau những chú tuần lộc ghé thăm bản làng nơi đây. Họ được chào đón một cách nồng nhiệt. Mỗi chuyến xe mang theo một câu chuyện về thế giới bên ngoài. Các bộ tộc ở Chukotka, cả sâu trong đất liền và dọc bờ biển, vẫn chưa hiểu rõ tường tận về cuộc sống trên Trái đất. Trong khi đó, du khách đến đây lại không thể giấu sự tò mò về “tổ ấm” yaranga - chiếc lều hình nón truyền thống được làm từ da hươu của người Chukchi, vốn được xem là “cả thế giới” với bộ tộc, nhưng đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà được trang bị hệ thống lò sưởi.
Việc nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào bán đảo để khai thác mỏ đã rộ lên từ lâu, nên không ít người chăn tuần lộc và thợ đi biển ở Chukotka “bỗng nhiên” trở thành công nhân xây dựng và khai thác khoáng sản. Ngay cả những người săn cá voi cũng có thể dễ dàng kiếm cho mình một vài chiếc thuyền máy. Thực tế, việc Chukotka được đầu tư đã mang lại cuộc sống khác đi cho người bản địa. Song, ô nhiễm môi trường, lạm dụng máy móc công nghiệp lại đang ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống người dân, dấy lên lo ngại làm mai một các nét đẹp truyền thống. Tuy vậy, người Chukchi luôn biết tự bảo vệ mình, bảo vệ các giá trị mang tính biểu tượng.
Thay vì cho rằng người trẻ Chukchi đang bị cuốn theo lối sống hiện đại, Natalia - một người Chukchi tin rằng văn hóa truyền thống của vùng Chukotka đang tái sinh mạnh mẽ. Bà cho biết, cứ thứ ba và thứ sáu hằng tuần, người dân trong làng lại cùng nhau tập luyện các điệu nhảy truyền thống và phổ biến ngôn ngữ bản địa. Trong khi đó, văn hóa Chukchi cũng được Chính phủ Nga ủng hộ và tạo điều kiện bảo tồn, khi các vũ công địa phương được mời tham gia nhiều sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế.
Evgeniy, một thành viên của bộ tộc ở Chukotka, dù đã không còn thường xuyên có mặt trên bán đảo do bận lưu diễn, song vẫn luôn hướng về quê hương. Evgeniy khẳng định, những người trẻ trên bán đảo Chukotka vẫn bị cuốn hút bởi những giá trị truyền thống, cả văn hóa, ngôn ngữ và kỹ năng săn bắn. “Họ đang học cách đi biển và săn bắn hằng ngày. Tại nơi chúng tôi sống, mọi người vẫn duy trì những nét đẹp văn hóa bản địa”, Evgeniy cho hay.