Nét đẹp văn hóa làng quê
Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, người dân ở các làng quê trong tỉnh đã đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích cổ xưa như giếng nước cổ, nghĩa từ... Qua đó, cộng đồng dân cư ở các làng quê càng thêm gắn kết.
Biểu tượng của làng quê
Cây đa - giếng nước - sân đình là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nơi đây gắn liền với biết bao kỷ niệm của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở các làng quê. Tại đội 5, thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), có một giếng cổ chẳng ai biết có tự khi nào, có tên gọi là giếng Đồng. Ông Nguyễn Đại (83 tuổi) cho hay, theo ông bà xưa kể lại thì khi từ miền Bắc vào lập nghiệp, tổ tiên đã đào giếng Đồng để có nước dùng trong sinh hoạt. Người xưa đã khéo chọn vị trí đào giếng kề bên dòng sông Trà Khúc nên mạch nước ngầm của giếng Đồng chưa khi nào cạn. Sau này, người dân có đào thêm nhiều giếng khác, nhưng chỉ có nước ở giếng Đồng là ngon, ngọt nhất.
Giếng Đồng, ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), được tôn tạo và giữ được nét đẹp xưa. Ảnh: Bảo Hòa
Ông Đại kể, trước đây, cha ông đan nan tre để làm thành giếng, sau này dùng đá ong để làm bờ thành kiên cố hơn. Vào năm 1935, giếng Đồng được trùng tu lần thứ nhất. Trước tết Nhâm Dần 2022, người dân địa phương, đặc biệt là con cháu làm ăn xa quê đã đóng góp khoảng 100 triệu đồng để mua nguyên vật liệu trùng tu lại giếng Đồng. Giếng Đồng vẫn giữ nguyên thành giếng làm từ đá ong và giữ lại con số 1935 đã khắc trước đó trên thành giếng. Phía bên trên giếng có đặt thêm một tảng đá khắc ngày tháng trùng tu và lời nhắc “Hậu thế luôn giữ gìn”. Giếng Đồng được tôn tạo khang trang, nhưng vẫn giữ được nét đẹp của giếng cổ.
Giếng Đồng sau khi được trùng tu, nhiều người đến tham quan, chụp ảnh. Người dân ở địa phương vẫn thường đến giếng Đồng ngồi hóng gió vào mỗi buổi chiều. Bây giờ, nhiều gia đình đã dùng nước giếng khoan, song giếng Đồng vẫn được người dân gìn giữ bởi gắn liền với lịch sử lập làng.
Gìn giữ nếp xưa
Theo phong tục truyền thống, vào tháng Chạp và tháng Ba âm lịch, người dân ở các địa phương thường tổ chức tảo mộ, cúng viếng người thân, người trong dòng họ đã mất. Người dân ở thôn 1, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), còn tảo mộ đối với những ngôi mộ không biết rõ họ hàng, người thân. Ông Bùi Đủ (72 tuổi), ở thôn 1, xã Đức Nhuận cho biết, với những ngôi mộ không có thân nhân thăm viếng, người dân thường tổ chức tảo mộ vào ngày 10/4 âm lịch, sau đó làm lễ cúng chung. Lễ cúng được thực hiện tại nghĩa từ của làng.
Người dân đóng góp sửa chữa, trùng tu nghĩa tự ở thôn 1, xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Ảnh: Bảo Hòa
Nghĩa từ thôn 1, xã Đức Nhuận có từ lâu đời, bị xuống cấp nên người dân đóng góp công sức, tiền của để tu sửa lại. “Cách đây 2 năm, người dân đóng góp khoảng 180 triệu đồng và góp công để tu sửa lại nghĩa từ như lát gạch, làm nhà chờ, trồng hoa xung quanh khuôn viên... Mỗi người một tay vì việc chung của làng. Nhiều người còn ủng hộ ghế đá làm nơi ngồi nghỉ mát. Sau khi tôn tạo, khuôn viên nghĩa từ khang trang hơn. Qua đây không chỉ gìn giữ tục lệ xưa, mà còn góp phần gắn kết tình quê", ông Ngô Khắc Vũ, ở thôn 1, xã Đức Nhuận, chia sẻ.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tục thờ cúng tại các nghĩa từ chung của làng là một lễ tục mang ý nghĩa nhân văn và có tính gắn kết cộng đồng chặt chẽ. Trong nhịp sống mới, việc chung tay tôn tạo những di tích được xem là biểu tượng của làng quê, đã góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202204/net-dep-van-hoa-lang-que-3112698/