Nét đẹp văn hóa ngày xuân của đồng bào dân tộc Thái
Bắt đầu từ ngày mùng 4 tết, khi hương xuân vẫn ngập tràn khắp đất trời, trên khắp bản mường, bà con dân tộc Thái trong tỉnh bắt đầu nô nức tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội… tạo nên không khí vui tươi trong những ngày đầu xuân và hứng khởi chuẩn bị bước vào công việc lao động sản xuất.
Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La có câu thơ: “Bản mương hau muôn chôm xuân tảu/ Sào báo hạu luôn khuống xe chiều”, có nghĩa là: “Bản mường vui đón xuân sang/ Gái trai múa sạp rộn ràng trên sân”. Từ bao đời nay, múa sạp hay nhảy sạp là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của cộng đồng dân tộc Thái trong những ngày vui xuân. Người tham gia nhảy sạp thường là trai gái trong bản và được chia thành hai tốp, một tốp gõ sạp và một tốp nhảy sạp. Tốp gõ sạp sẽ gõ theo nhịp 4/4, cứ 2 lần gõ sạp lên thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh rộn ràng vui tai. Tốp múa biểu diễn lần lượt theo từng cặp, động tác vừa nhón chân khéo léo, vừa nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn trên dàn sạp... Tiếng nhạc, tiếng trống chiêng cuốn hút mọi người say sưa trong điệu múa. Đây cũng là dịp để các đôi trai, gái tìm hiểu nhau, giao duyên khi mùa xuân về.
Trong những hoạt động văn hóa vui xuân, những trò chơi dân gian không chỉ tạo nên không khí sôi nổi mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Cũng như mọi năm, vào ngày mùng 5 tết, bà con dân tộc Thái ở tổ 3, phường Chiềng An, Thành phố lại tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn với các trò chơi truyền thống như: Đánh tó mak lẹ, bịt mắt bắt vịt, chơi tó phại, tó sáng, phăn liêng… trong đó, ném còn là trò chơi phổ biến được hầu hết bà con dân bản yêu thích trong dịp tết. Trên một khoảng đất rộng và bằng phẳng, người dân dựng một cây tre cao khoảng 10 mét, trên ngọn có một vòng tròn đường kính khoảng 80cm được cuốn giấy xanh, đỏ. Những chàng trai trong trang phục áo chàm đen truyền thống, các cô gái diện xửa cóm khăn piêu cùng nhau tung những trái còn đủ màu sắc. Quả còn bay vút lên cao, những dây vải ngũ sắc uốn lượn giữa không trung mang theo nhiều ước vọng của bà con dân bản về một năm mới gặp nhiều may mắn, ấm no.
Bà Quàng Thị Cường ở tổ 3, phường Chiềng An, Thành phố, chia sẻ: Trước khi vui hội, những người phụ nữ khéo tay sẽ làm những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau. Bên trong quả còn được nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông với ý nghĩa thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở. Những quả còn sẽ được may thêm các tua vải nhiều màu sắc biểu trưng cho những tia nắng, tia mưa cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nếu người nào ném trúng vòng tròn thì trong năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống.
Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La có những vũ điệu làm mê đắm lòng người, trong đó, xòe Thái được coi là tinh hoa văn hóa của dân tộc và không thể thiếu vào mỗi dịp vui xuân đón tết. Trong các hình thức xòe thì xòe vòng phổ biến nhất với những điệu cơ bản gồm nâng khăn mời rượu, tiến lùi, tung khăn, bổ bốn, vỗ tay… Mặc dù các động tác múa đơn giản, nhưng thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Đã vào trong vòng xòe, không kể già, trẻ, gái, trai, tất cả đều tay trong tay chân bước nhịp nhàng, hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn ràng.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, thành phố Sơn La đã tổ chức chương trình “Hội xuân dâng Bác” tại Quảng trường Tây Bắc với điểm nhấn là màn thi múa xòe giữa 12 đơn vị xã, phường trên địa bàn, thu hút trên 1.000 diễn viên quần chúng tham gia, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, đặc sắc và ấn tượng trong dịp đầu năm mới.
Xuân đến, đất trời nở hoa, lòng người rộn rã náo nức cùng nhau vui hội. Thật khó để kể hết những nét văn hóa tốt đẹp trong ngày xuân của đồng bào dân tộc Thái Sơn La, thế nhưng tất cả đều mang ý nghĩa nhân văn, ước vọng về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Hơn hết đây là dịp để người dân vui chơi, giải trí và hưởng thụ thành quả sau một năm lao động vất vả để bước vào một năm mới gặp nhiều may mắn và thành công.