Nét độc đáo ở lăng vạn Tân Thạnh
Lăng vạn Tân Thạnh tọa lạc bên hữu ngạn vùng hạ lưu sông Trà Bồng, thuộc thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông (Bình Sơn). Nơi đây không chỉ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng biển, mà còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.
Kiến trúc cổ
Cụ Đinh Chái (94 tuổi), ở thôn Tân Hy 1 cho biết, lăng vạn Tân Thạnh được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Khi xưa, các dòng họ Huỳnh, Nguyễn, Đoàn từ Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa có công khai hoang và lập làng Tân Hy. Từ đó, dọc cửa biển Sa Cần, những làng chài xuất hiện với các nghề như nghề lưới vây (làng Sơn Trà), nghề lưới rê (làng Thượng Hòa), nghề lưới chuồn, nghề mành chà, nghề mành đèn (làng Tân Hy)... Trong tâm thức của ngư dân, cá Ông là Thần Nam Hải, vị phúc thần độ mạng, giúp họ vượt qua hiểm nguy khi đánh bắt trên biển. Do vậy, ngư dân ở làng Tân Hy đã dựng lăng vạn Tân Thạnh để thờ cá Ông.
Lăng vạn Tân Thạnh, ở thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông (Bình Sơn). Ảnh: TẠ HÀ
Lăng vạn Tân Thạnh hiện vẫn còn lưu giữ nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của người xưa. Lăng xây dựng kiểu 3 gian bằng đá ong và vôi vữa tam hợp, hệ thống vì kèo bằng gỗ. Đỉnh mái đắp nổi lưỡng long tranh châu. Trán lăng đắp nổi hoa văn hình dơi và áp sành gốm men hoa lam tạo thành chữ Hán Nôm dịch nghĩa là "Vạn Tân Thạnh”. Hai bên hiên là máng xối được đắp nổi cá chép.
Lăng gồm gian chính và 2 gian bên. Gian chính thờ thần chủ Thần Nam Hải, giữa ban thờ có chữ Hán Nôm kiểu đại tự "Thần” được trang trí vẽ màu kết hợp áp xà cừ. Đây là kiểu trang trí khác so với một số lăng thờ cá Ông ở Quảng Ngãi, thể hiện sự tinh xảo, sáng tạo của nghệ nhân. Phía trước ban thờ là những hòm gỗ đựng cốt Ông. Long đình và bát bửu bằng gỗ, chạm khắc công phu chủ đề lưỡng long tranh châu, ngũ phúc, triền chi, bên trong long đình đặt một thần vị ghi tước của Ông bằng chữ Hán.
Từ cửa chính bước vào lăng là ban thờ hội đồng. Các ban thờ tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền ở 2 gian bên, được trang trí vẽ màu các chủ đề đại tự Hán Nôm, câu đối, hoa dây, ngũ phúc. Đối diện với lăng chính là bình phong, trụ biểu. Bình phong dạng hình cuốn thư, đắp nổi và áp mảnh sành men hoa lam chủ đề Long Mã, Hổ Chầu. Hai bên bình phong là trụ biểu hình vuông cao, đỉnh trang trí hoa sen bằng vữa tam hợp. Thông qua các hoa văn trang trí đã khẳng định lăng vạn Tân Thạnh được xây dựng vào thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Những tài liệu quý
Ông Long Hoài Thu (76 tuổi), chủ vạn Tân Thạnh đã cho chúng tôi xem nhiều tài liệu được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đây là những tài liệu quý, hiếm có ở các lăng vạn khác. Cụ thể là, sắc phong đề ngày 25/7/1924, vua Khải Định ghi nhận công lao, gia tặng bậc Trung Đẳng thần, mỹ hiệu “Uông Nhuận” cho thần Nam Hải và làng Tân Hy có nhiệm vụ thờ cúng. Tờ từ ủng hộ 9 sào ruộng hương hỏa để cúng lệ xuân cho lăng cùng 3 cổ miếu trong làng được các vị hương chức, hào mục, lý dịch lập ngày 17 tháng 7 năm Thành Thái thứ 17 (1905) và Cựu tri hương Ngô Văn Phương, thủ sắc Ngô Văn, Cựu tri hương Phan Văn Sài, thủ bổn Hóa, cựu xã Phan Văn Trị, Chủ ấp Huỳnh Tiến Trí đồng ký chấp thuận.
Ngoài ra, còn có Bản kê những người đóng góp tiền bạc, đồ thờ cúng, khí tự cho lăng lập ngày 15 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 19 (1943). Tờ từ kêu gọi dân vạn các vức Cây Bàng, Công Hội, Vũng Cảm đóng góp thêm 14,8 nghìn đồng bạc để tôn tạo lăng do các ông Nguyễn Khéo - Chủ vạn, ông Nguyễn Đoái - Chánh đốc công lập ngày 28/7/1961. Bản Quy ước của vạn có xác nhận của Trưởng vạn Nguyễn Lệ, Phó trưởng Phan Trường, Thư ký Phạm Cống, 53 nghiệp chủ vạn, lập ngày 15/10/1974 gồm 32 điều định mức tiền, lễ vật của ngư dân, nghiệp chủ đóng góp, ngày họp vạn và ngày lễ tế tại lăng (lễ cầu ngư 16/2, lễ tế thu 16/7)... Qua các tài liệu cho thấy, lăng vạn Tân Thạnh có tầm quan trọng trong đời sống văn hóa của ngư dân làng Tân Hy xa xưa cho đến ngày nay.