Nét duyên quê giữa lòng Hà Nội
Cổng làng từ bao đời nay đã là biểu tượng văn hóa của làng quê Việt. Và không chỉ ở quê mới thấy hình ảnh này mà ngay tại Thủ đô Hà Nội, xen lẫn với những ngôi nhà cao tầng hiện đại, vẫn còn đó những cổng làng cổ kính, rêu phong, ẩn chứa trong đó là nếp văn hóa cộng đồng làng xã, những nếp truyền thống xa xưa vẫn còn mãi.
Hà Nội trong tôi:
Giữa Hà Nội đang ngày một hiện đại, đổi mới, ta vẫn bắt gặp những cổng làng còn lại với thời gian như cổng làng Yên Phụ, làng Tương Mai, làng Trung Tự, làng Đại Từ, làng Mễ Trì Thượng… Và còn rất nhiều những cổng làng không tên nữa. Mỗi cổng làng được xây dựng, bài trí, chạm khắc với những hoa văn, họa tiết khác nhau nhưng đều toát lên sự uy nghiêm mà gần gũi.
Sự hiện diện bao lâu nay của những cổng làng này bên cạnh những công trình hiện đại như một sự khẳng định hùng hồn về vị thế, uy quyền của cộng đồng dân cư, nhưng ta cũng thấy ở đó một cảm giác thân thuộc, ấm áp vô cùng.
Những người con đi xa trở về, thấy cổng làng là như đã thấy nhà ngay ở đó. Giữa phố xá đông đúc, nhộn nhịp thì cổng làng luôn là dấu mốc, là điểm đến quan trọng của những cái hẹn bất ngờ. Những hàng nước bên cổng làng luôn là lựa chọn lý tưởng cho tất cả mọi người để thư giãn nghỉ ngơi, để hàn huyên, trò chuyện, trao đổi, hay chỉ đơn giản là để thấy được cảm giác làng ở phố như thế nào.
Trong những dịp đặc biệt như hội hè, lễ, Tết, hay trong làng có việc hiếu, việc hỷ của gia đình, dòng họ thì cổng làng đều là nơi thể hiện điều đó. Ngày xưa và bây giờ cũng vẫn thế. Những nơi còn giữ được cổng làng thì gần như người dân cũng vẫn giữ được cái nếp của làng.
Thụy Khuê cũng là con phố có nhiều cổng làng cổ nhất còn lại của Hà Nội với những cái tên gợi nhiều dấu ấn thời gian như cổng Giếng, cổng Hậu làng An Thọ, cổng làng Đông Xã, cổng làng Hồ Khẩu, cổng Chùa làng Hồ Khẩu, cổng Xanh làng An Thọ... Dù cách Hồ Gươm - trung tâm Hà Nội không xa nhưng trên những ngõ nhỏ, đường nhỏ của phố Thụy Khuê vẫn mang nhiều dấu tích của làng với cuộc sống quần cư, nhà cửa san sát đầy nghĩa xóm giềng.
Điểm đặc biệt của những cái cổng làng nơi đây là chúng đều mang trong mình nét đặc trưng riêng biệt, không cái nào giống cái nào. Từng cái cổng, mái ngói rêu phong, gạch lát đỏ, bậc tam cấp đều mang những nét văn hóa bản sắc Việt và nét đặc trưng của từng làng từng cổng. Còn cổng làng Yên Phụ lại đi vào khá nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội là một làng cổ mang nhiều nét đặc sắc văn hóa. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm của thời gian nhưng nơi đây vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét đặc trưng của những ngôi làng xưa cũ với cây đa, giếng nước, sân đình, đền đài, miếu, nhà thờ,…
Cổng không to, kiến trúc không cầu kì nhưng chiếc cổng này có ưu điểm vượt trội mà gần như không có chiếc cổng làng nào so sánh nổi, đấy là không gian thoáng đãng xung quanh. Con đường dẫn vào cổng làng rộng thênh thang, xung quanh là ruộng lúa.
Đặc biệt, một bên cổng là cây đa cổ thụ bốn mùa phủ lên chiếc cổng và toàn bộ khung cảnh ấy được soi bóng xuống mặt nước lung linh. Chả thế mà cổng làng Đường Lâm đi vào bao nhiêu bức ảnh, vào bao tác phẩm hội họa.
Giữa phố phường nườm nượp người xe, nhà cửa nhấp nhô, vô tình chạy qua một chiếc cổng làng cổ kính rêu phong, chợt thấy lòng mình như lắng lại. Thèm được rẽ vào khám phá xem bên trong chiếc cổng ấy cuộc sống người Hà Nội có khác gì không. Thèm được lần tay lên từng vết đắp nổi, từng họa tiết, từng vết khắc thời gian trên những chiếc cổng ấy để cảm nhận rõ chút xưa còn lưu dấu lại.
Những cổng làng ấy có tự bao giờ, hẳn khó ai trả lời rành mạch cho được. Cho dù đó là những cổng làng từ xưa còn lại hay là những cổng làng mới được tu sửa, thì cũng là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu khi chúng ta nhắc về Hà Nội.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/net-duyen-que-giua-long-ha-noi-359884.html