Nét mới trong sản xuất nông nghiệp ở Triệu Phong
Thời gian qua, huyện Triệu Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) được coi là giải pháp đột phá, mang lại năng suất và thu nhập cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau 15 năm triển khai thực hiện, huyện Triệu Phong đã có nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, từng bước đưa các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vào sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tích cực vận động Nhân dân lựa chọn, ứng dụng những giống cây trồng mới có hiệu quả, chất lượng cao vào sản xuất theo phương thức thâm canh, sử dụng các chế phẩm sinh học. Với lợi thế chuyên canh về cây lúa, trên địa bàn huyện đã tiến hành nghiên cứu, phục tráng giống lúa HC95 và khảo nghiệm chọn lọc được bộ giống lúa chất lượng cao như ST 24, ST 25, Dự Hương 8, Nghệ An 2,TBR6, TBR97… sử dụng rộng rãi vào sản xuất.
Tổng diện tích khảo nghiệm hơn 120 ha, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha, cao hơn các giống lúa khác 3 - 4 tạ/ha. Các mô hình sản xuất lúa như mô hình canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ, canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, đồng thời giảm dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Đến nay, toàn huyện đã phát triển 336,5 ha mô hình CSA; 45 ha lúa canh tác tự nhiên tại các xã Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Trạch; xây dựng 17 mô hình sản xuất nấm với tổng diện tích nhà trồng nấm 3.400 m2, cho thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm/mô hình.
Bên cạnh đó, huyện tập trung chuyển đổi một số diện tích rừng sản xuất sang trồng dứa nguyên liệu và cây dược liệu với diện tích 22 ha dứa và 1,5 ha cây cà gai leo ở xã Triệu Ái, Triệu Thượng; trồng 5 ha cam có hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Triệu Thượng; trồng thử nghiệm các giống cây trồng như chanh leo, thanh long ruột đỏ ở các xã vùng gò đồi Triệu Ái, Triệu Thượng. Ngoài ra, đã nghiên cứu, khảo nghiệm và chọn được bộ giống lạc, ngô, sắn cho năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh, thích nghi với điều kiện sinh thái và cơ cấu mùa vụ ở địa phương.
Việc ứng dụng CNSH trong phát triển chăn nuôi cũng đã đem lại hiệu quả rõ nét như mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hướng canh tác tự nhiên, sử dụng công nghệ cao bằng đệm lót sinh học, chăn nuôi lợn thâm canh an toàn sinh học kết hợp xây hầm bioga tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt,… đã góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Thực hiện có hiệu quả cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống zebu thụ tinh nhân tạo với bò cái vàng địa phương, đưa tỉ lệ đàn bò lai chiếm gần 60% so với tổng đàn. Đồng thời triển khai thành công chương trình nạc hóa đàn lợn, đưa giống mới thuần ngoại như Landrace, Yorkshire vào nuôi thích nghi tại địa bàn huyện.
Trong lâm nghiệp, đã ứng dụng, chuyển giao thành công các giống tiến bộ được sản xuất bằng CNSH như bạch đàn, keo lai làm vườn cây đầu dòng… góp phần thúc đẩy việc trồng rừng thâm canh, trồng rừng FSC, đưa năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên. Đến nay, toàn huyện có 48 hộ trồng rừng tham gia Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị, với 479,18 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Đối với nuôi trồng thủy sản, đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh với việc ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào quy trình nuôi tôm như nuôi tôm bằng CNSH biofloc tại xã Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng đã góp phần tăng mật độ nuôi, tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh gan, tụy ở tôm. Đồng thời đưa vào một số mô hình mới như nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, áp dụng các biện pháp kích thích sinh trưởng, chú trọng chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh thủy sản, đem lại thu nhập cao cho người nuôi.
Thực tế cho thấy những năm qua, nhờ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cũng như hạn chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Triệu Phong. Từ đó, từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần sự phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.
Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục triển khai ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các kỹ thuật hiện đại của CNSH vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường và công nghiệp chế biến, sản xuất để tạo ra một số sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.