Nét văn hóa trong trang phục truyền thống của dân tộc Mông
Nói đến nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông không thể không nói đến trang phục truyền thống của người phụ nữ. Bằng đôi bàn tay khéo léo tài tình, chị em phụ nữ dân tộc Mông ở xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã làm ra trang phục truyền thống không chỉ gìn giữ một nét đẹp văn hóa mà còn tạo sản phẩm cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Đây là cách chị em phụ nữ người Mông đỏ ở bản Nậm Tắt, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ tạo ra những nét hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của mình. Làm theo cách này nhanh hơn và tạo ra nhiều hoa văn hơn cách làm truyền thống. Hoa văn được thêu bằng chỉ đủ các loại màu theo những hình thù đã có sẵn trong trí nhớ của người phụ nữ. Thêu ở mặt trái nhưng các họa tiết lại nổi lên trên mặt phải của vải tạo nét mềm mại, mang sắc thái riêng biệt. Người Mông quan niệm các khối hình càng thêu tỷ mỉ, chắc tay thì càng thể hiện được sự khéo léo vun vén hạnh phúc gia đình.
Bản Pá Kha là nơi sinh sống của gần 100 hộ người dân tộc Mông Si, (hay còn gọi là Mông Hoa), một cộng đồng có đậm đà bản sắc văn hóa, nổi bật là nghệ thuật tạo hình trên nền trang phục được người dân lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Bằng tình yêu với hoa văn truyền thống, tại các thôn, bản, nhiều chị em phụ nữ đã tập hợp thành nhóm thêu, mỗi nhóm vài ba chục người tham gia nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa giá trị bán ra thị trường trong nước và nước ngoài. Trung bình mỗi tháng, một nhóm xuất bán từ 50 đến 300 sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập tương đối cho gia đình.
Cuộc sống giao thoa về kinh tế - xã hội đã khiến trang phục của người Mông ở xã Nà Bủng cũng có nhiều biến đổi kể cả chất liệu, kỹ thuật tạo hoa văn. Mỗi sự cách tân đều làm nổi bật thêm những nét độc đáo riêng có của bộ trang phục. Từ đôi bàn tay khéo léo tài hoa của phụ nữ dân tộc Mông nhiều nét hoa văn truyền thống của dân tộc đang được phục dựng lại để gìn giữ cho thế hệ sau.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!