Nếu bảo tồn máy móc, phố cổ sẽ không mong lọt vào danh sách di sản

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu chúng ta cứ bảo tồn nguyên vẹn, máy móc thì khu phố cổ Hà Nội sẽ mong không lọt vào danh sách di sản.

Chiều 18/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Cần phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt

Liên quan đến quy định về khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp trong việc cho phép đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Luật hiện hành và Dự thảo luật thống nhất về nguyên tắc: khu vực bảo vệ 1 của di tích là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều 26, Điều 27 dự thảo Luật quy định khu vực bảo vệ 1 của di tích được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại quy định cho phép đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; đồng thời phân cấp, phân quyền cho địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đối với dự án này ở các di tích được xếp hạng các cấp độ. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần phải có phương án để bảo vệ di tích nghiêm ngặt, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đang sinh sống trong khu vực di tích.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc bảo tồn, tôn tạo đối với các khu di tích, các vấn đề liên quan đến xây mới, cấp phép phải được quan tâm, chú trọng đảm bảo phù hợp, đúng quy định.

Con người phải là trung tâm trong bảo vệ di sản

Dẫn câu nói của chuyên gia Ấn Độ: “Nếu ứng xử một cách máy móc với di sản thì chúng ta đang vô nhân đạo đối với người đang sống”, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế này đang xảy ra, ngay tại Hà Nội.

“Nếu chúng ta cứ bảo tồn nguyên vẹn, máy móc thì dẫn đến tình trạng khu phố cổ Hà Nội sẽ mong muốn không lọt vào danh sách di sản, làng cổ Đường Lâm sẽ sẵn sàng trả lại danh hiệu vì vào danh sách di sản sẽ bị “đóng băng”, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sinh kế của người dân”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

 Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội). Ảnh: Tiến Thành.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội). Ảnh: Tiến Thành.

Theo ông Sơn, chúng ta cần có sự ứng xử khác nhau đối với các đối tượng di sản, cuộc sống con người phải là trung tâm trong bảo vệ di sản.

Liên quan nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, các chính sách về di sản văn hóa rất nhiều, tuy nhiên chính sách nhà nước về di sản văn hóa vật thể rất hạn chế. Dự thảo luật đề cập tới chính sách đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích xuống cấp nghiêm trọng; bảo vật quốc gia…; còn di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật nhà nước không có chính sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

“Đề nghị ban soạn thảo xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực…”, đại biểu Trần Văn Tiến nói.

Đại biểu Tiến cho rằng, quy định như dự thảo thì hiển nhiên được xây dựng mới nhà ở riêng lẻ trong phạm vi khu vực bảo vệ, mặc dù hộ gia đình đã lấn hoặc chiếm đoạt đất di tích, chỉ cần ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Tôi đề nghị quy định không được xây dựng mới, chỉ được cải tạo, chống xuống cấp đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong phạm vi khu vực bảo vệ và có phương án di dời, trả lại đất cho di tích”, đại biểu nói.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/neu-bao-ton-may-moc-pho-co-se-khong-mong-lot-vao-danh-sach-di-san-2002399.html