Nếu các đảng cấp tiến chiến thắng, chính sách châu Á của Pháp sẽ như thế nào?

Ngày 30.6, cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp. Giới quan sát đặc biệt quan tâm: Nếu hai đảng cực đoan của Pháp - đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) và đảng cực tả Mặt trận Nhân dân mới (NFP) giành chiến thắng ở cả hai vòng của cuộc bầu cử, cách tiếp cận của Pháp đối với châu Á - và đặc biệt là Trung Quốc - sẽ thay đổi như thế nào?

Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen trong một chiến dịch vận động tranh cử. Ảnh: Reuters

Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen trong một chiến dịch vận động tranh cử. Ảnh: Reuters

Dư luận đang quan ngại về vị thế của Pháp trên trường quốc tế nếu RN hoặc NPF giành chiến thắng sau hai vòng của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào ngày 30.6 và 7.7 tới. Sức nặng của Pháp ở châu Âu, khả năng kích thích tư duy mới về các vấn đề chiến lược - đặc biệt là vào đêm trước khi Donald Trump có thể trở lại làm tổng thống Hoa Kỳ, và tương lai của quan hệ đối tác Pháp - Đức vốn đã mong manh đều đang bị đặt câu hỏi.

Đối với EU, lập trường của hai đảng cấp tiến trong các vấn đề nóng, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ cho Ukraine, là trung tâm của mối đáng lo ngại. Trong khi NPF và lãnh đạo của đảng này, Jean Luc Mélenchon, chưa bao giờ che giấu thái độ phản đối của họ với các chính sách viện trợ cho Ukraine, RN tỏ ra trung dung hơn. Nhưng điều đó có nghĩa là RN cũng sẽ không đi xa như Tổng thống Emmanuel Macron trong việc ủng hộ Kiev.

Tuy nhiên, một vấn đề chính sách đối ngoại khác - quan hệ với các cường quốc châu Á, và đặc biệt là Trung Quốc - ít được tranh luận hơn. Đối với Pháp, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về mặt địa lý xa hơn, nhưng thực tế lại quan trọng hơn về mặt hậu quả kinh tế và chiến lược trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lớn.

RN ít quan tâm tới Ấn Độ - Thái Bình Dương

RN chủ yếu quan tâm đến các vấn đề trong nước, và đây là những vấn đề được cử tri của đảng này ưa chuộng. Chủ tịch đảng Marine Le Pen thường nhấn mạnh rằng la bàn duy nhất của bà là sự quan tâm của người Pháp, trong một loại phiên bản tiếng Pháp của khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" mà cựu Tổng thống Trump từng sử dụng. Do đó, nhiều khả năng dưới một chính phủ RN, các yếu tố liên quan đến các vấn đề kinh tế, dịch vụ công, nhập cư... sẽ chiếm ưu thế hơn mối quan tâm về đối ngoại hay vấn đề an ninh, nhân quyền. Trong những điều kiện này, những thách thức của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một cấu trúc mà Pháp từng tham gia mạnh mẽ kể từ năm 2018, không phải là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, cuộc thảo luận về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã có mặt trong cương lĩnh về quốc phòng của RN năm 2022, giờ đã không còn lưu hành. Trong phiên bản cũ này, RN chỉ trích Trung Quốc là một cường quốc hung hăng và có ý đồ đối với New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương. Cương lĩnh của RN cũng chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là "bóp nghẹt chủ quyền của các quốc gia láng giềng và tự do hàng hải".

Trên mặt trận kinh tế, RN cũng giữ lập trường thận trọng không kém đối với Trung Quốc. Bình luận về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp vào tháng 5.2024, Jordan Bardella, người có thể trở thành Thủ tướng tiếp theo nếu RN chiến thắng, đã lên án tình trạng mất cân bằng trong quan hệ thương mại của Pháp; đồng thời kêu gọi bảo vệ lòng yêu nước kinh tế và ưu tiên quốc gia thông qua thuế quan có mục tiêu.

Cùng lúc đó, RN cũng ủng hộ việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, và Le Pen tuyên bố rằng bà muốn nói chuyện với tất cả mọi người, cả Nga và Trung Quốc.

RN cũng từ chối để bị ảnh hưởng bởi quan điểm và chính sách Trung Quốc của Mỹ. "Một đồng minh không phải là bạn, có thể cư xử như một đối thủ cạnh tranh, thậm chí là một kẻ thù", cương lĩnh của RN cho biết.

Hai cường quốc châu Á khác, Nhật Bản - cùng với Ấn Độ - được cương lĩnh RN đề cập như là trong những đối tác chiến lược. Khi bà Marine Le Pen kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2022, bà đã cho rằng cơ quan này cần phải có mặt Ấn Độ và một quốc gia châu Phi hoặc Nam Mỹ, nhưng không phải Nhật Bản.

Tuy nhiên, về mặt giá trị, sự gần gũi của RN với Tokyo rất nổi bật, cho dù là về chủ nghĩa dân tộc, cứng rắn trong vấn đề nhập cư, ưu tiên lợi ích quốc gia hay an ninh nội bộ. Vào năm 2010, Bruno Gollnisch, một thành viên của Hội đồng Quốc gia RN, tốt nghiệp Đại học Keio và kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản, đã tổ chức cho bà Jean - Marie Le Pen tới thăm Tokyo.

Chính sách châu Á mơ hồ của NFP

Cho đến nay, người ta khá băn khoăn về chính sách của NFP đối với châu Á, đặc biệt là quan điểm với Trung Quốc bởi những bất đồng và rạn nứt nghiêm trọng giữa những nhân vật đứng đầu phong trào cực tả này.

Trong khi một trong những nhân vật của đảng này, ông Raphaël Glucksman, người đang khẳng định tên tuổi của mình sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, có lập trường chỉ trích Chính quyền Trung Quốc về vấn đề Tân Cương thì Chủ tịch Jean-Luc Mélenchon hết lòng ủng hộ Bắc Kinh cũng như lập trường “một nước Trung Quốc”. Ông cũng là người hoan nghênh các sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như các dự án của Trung Quốc tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Đối với châu Á, những vấn đề này rất quan trọng. Bởi Paris chiếm một vị trí đặc biệt ở châu Âu, và bất kỳ thay đổi nào về vị trí của nó về các vấn đề chiến lược và thậm chí về các vấn đề kinh tế ở châu Á - và đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc - có thể có thể đưa đến những thay đổi đáng kể, bao gồm cả chính sách của châu Âu nói chung.

Quỳnh Vũ (Theo The Diplomat)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/neu-cac-dang-cap-tien-chien-thang-chinh-sach-chau-a-cua-phap-se-nhu-the-nao--i377511/