Bầu cử Quốc hội Pháp: Thất bại trong toan tính 'mượn tay' cử tri, liên minh của Tổng thống Macron tìm cách ngăn 'sao đổi ngôi'

Ngày 1/7, phe trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hợp tác với liên minh cánh tả nhằm ngăn phe cực hữu chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội và kiểm soát chính phủ nước này.

Từ trái qua phải: Lãnh đạo liên minh cánh tả Jean-Luc Mélenchon, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron của phe trung dung và chính trị gia Marine Le Pen lãnh đạo khối cực hữu RN. (Nguồn: Visegradinsight)

Từ trái qua phải: Lãnh đạo liên minh cánh tả Jean-Luc Mélenchon, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron của phe trung dung và chính trị gia Marine Le Pen lãnh đạo khối cực hữu RN. (Nguồn: Visegradinsight)

Động thái trên diễn ra sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 30/6 cho thấy, đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu do chính trị gia Marine Le Pen lãnh đạo đã giành ưu thế lớn với 33% phiếu bầu, so với liên minh Mặt trận bình dân mới được 28% và phe trung dung chỉ được hơn 20%.

Cuộc bầu cử diễn ra sau khi Tổng thống Macron bất ngờ giải tán Quốc hội ngày 9/6, với tín toán "mượn tay" cử tri Pháp giúp ông ngăn đà trỗi dậy của phe cực hữu.

Tuy nhiên, đảng RN cực hữu đã đạt được kết quả “chưa từng có” trong cuộc bỏ phiếu vòng 1. Điều này được cho là có thể mở ra cánh cửa quyền lực cho phe cực hữu tại Pháp lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

Trong bối cảnh đó, phe trung dung của Tổng thống Macron bắt đầu hợp tác với cánh tả để đảm bảo đảng RN không giành được 289 số ghế cần thiết để chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội gồm 577 ghế.

Ngoài ra, các ứng cử viên đứng thứ ba đủ điều kiện vào vòng 2 đã được khuyến khích rút lui để củng cố mặt trận phản đối phe cực hữu.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Macron cũng kêu gọi thành lập một liên minh "rộng lớn" nhằm chống lại phe cực hữu, đồng thời triệu tập một cuộc họp nội các vào ngày 1/7 để quyết định hướng hành động tiếp theo.

Giới phân tích dự đoán, kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội sớm nhiều khả năng dẫn đến tình trạng "quốc hội treo", có thể làm hỗn loạn và tê liệt hệ thống chính trị của Pháp trong nhiều tháng, trong bối cảnh nước này chuẩn bị đăng cai Olympic Paris 2024 cuối tháng 7 này.

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 7/7 tới.

Theo thông tin đăng trên trang chủ của Bộ Nội vụ Pháp, tại vòng 2, hai ứng viên về đầu đương nhiên tiếp tục cuộc tranh đua. Tuy nhiên, do chính trường Pháp đang bị chia ra thành 3 khối nên ở nhiều địa phương, sau cuộc bỏ phiếu vòng một, có thể có 3 hay thậm chí là 4 ứng viên cùng hội đủ số phiếu để vào vòng hai.

Theo thẩm định của bộ trên, các cuộc đấu tay ba sẽ diễn ra tại 305 đơn vị bầu cử trên toàn quốc.

Nhằm ngăn chặn đảng RN và đồng minh chiếm đa số tuyệt đối, các đảng và liên minh khác có thể chấp nhận rút ứng viên của mình, nếu họ đứng thứ ba, sau vòng một, qua đó, dồn phiếu cho đối thủ của RN.

Tại vòng hai, ứng viên thắng cử là người có số phiếu cao nhất.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-quoc-hoi-phap-that-bai-trong-toan-tinh-muon-tay-cu-tri-lien-minh-cua-tong-thong-macron-tim-cach-ngan-sao-doi-ngoi-277150.html