Nêu cao trách nhiệm của từng đơn vị về đầu tư công
Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo chi tiết về kết quả giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết ngày 31-1-2025; lý do không giải ngân hết 100% kế hoạch vốn; trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Căn cứ kết quả giải ngân tính đến ngày 31-1-2025, các đơn vị rà soát, đề xuất kế hoạch vốn năm 2024 kéo dài sang năm 2025 cho từng dự án, tuân thủ điều kiện, nguyên tắc, tiêu chí kéo dài kế hoạch vốn theo quy định; rà soát kỹ và chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tham mưu, đề xuất...
Theo UBND thành phố Hà Nội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tính đến hết ngày 31-12-2024 đạt 73,5% kế hoạch. Kết quả giải ngân tuyệt đối cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với ước tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (78,71%).
Nhìn lại năm 2024, có thể thấy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhiều tổ công tác đôn đốc các đơn vị, tháo gỡ vướng mắc từng dự án. Kết quả giải ngân trên, một mặt cho thấy nỗ lực lớn của các cấp, ngành của thành phố, song mặt khác cũng phản ánh những vấn đề tồn tại lâu nay. Đó là chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; là thủ tục đầu tư còn rườm rà, khiến việc chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian. Một văn bản phải qua nhiều ngành thẩm định, cho ý kiến. Một công trình có thể liên quan đến nhiều quy định khác nhau. Việc sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công cũng thường được quản lý chặt chẽ hơn so với đầu tư tư nhân.
Một vấn đề lớn nữa là năng lực của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử như việc chuẩn bị đầu tư nếu không bảo đảm yêu cầu, thì dự án thường phát sinh vấn đề phải giải quyết, thậm chí phải điều chỉnh thời gian, tiến độ dự án, làm tăng vốn đầu tư, làm cho việc giải ngân vốn, hiệu quả sử dụng vốn bị ảnh hưởng.
Trong văn bản gửi các đơn vị, UBND thành phố cũng yêu cầu phải cam kết giải ngân hết 100% số vốn năm 2024 đề xuất kéo dài sang năm 2025 (đến hết ngày 31-12) tại văn bản đề xuất của đơn vị. Thành phố sẽ không xem xét đề xuất kéo dài kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 nếu đơn vị không có cam kết. Điều đó đồng nghĩa, trước hết các cấp, ngành, đơn vị được giao làm chủ đầu tư phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Bởi với tinh thần trách nhiệm cao, công việc sẽ được triển khai chu toàn, số vốn được phép kéo dài thời gian mới được giải ngân hết và sớm phát huy hiệu quả. Nếu không dự án lại tiếp tục trượt tiến độ.
Rộng hơn, việc các đơn vị cùng đề cao trách nhiệm thì sẽ có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, triển khai dự án hiệu quả và dự án thường ít khi chậm trễ. Trách nhiệm ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư thì khi triển khai dự án ít phát sinh vấn đề phải giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ. Đề cao trách nhiệm ở khâu giải phóng mặt bằng thì mọi nút thắt sẽ sớm được tháo gỡ, mặt bằng được bàn giao đúng hạn để nhà thầu thi công. Thực tế từ nhiều dự án đã chứng minh điều này.
Cùng với nêu cao trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan, thành phố nên tiếp tục tổng hợp, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư. Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trong đó tăng phân cấp, phân quyền sẽ là cơ chế thuận lợi để thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/neu-cao-trach-nhiem-cua-tung-don-vi-ve-dau-tu-cong-691445.html