'Nếu chi phí xăng dầu không biến động, tại sao lại chiết khấu 0 đồng?'
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ doanh nghiệp đầu mối, Bộ Tài chính cho biết không có doanh nghiệp phản ánh biến động bất thường về chi phí xăng dầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ đặt vấn đề: nếu không bất thường, tại sao chiết khấu bị bóp về 0 - 100 đồng/lít?
“Không có biến động bất thường về chi phí xăng dầu”
Bộ Tài chính vừa có báo cáo số 3315/BTC-QLG gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Báo cáo cho biết, thực hiện Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 95), ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 4.11.2022, Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11.11.2022, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện báo cáo các khoản chi phí phát sinh (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, khoản Premium trong nước; chi phí kinh doanh định mức) để tổng hợp, rà soát.
Trên cơ sở các số liệu này, dựa vào diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và ý kiến thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính cho rằng: “Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng không nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp về biến động bất thường về chi phí xăng dầu”.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong quá trình rà soát, tổng hợp các khoản chi phí xăng dầu hàng tháng do doanh nghiệp báo cáo cho thấy, một số chủng loại xăng, dầu không có dữ liệu về chi phí để tổng hợp đánh giá. Cũng qua rà soát các khoản chi phí phát sinh từ đầu năm 2023 đến nay, có khoản chi phí tăng, có khoản giảm nhưng đều ở biên độ thấp, không có biến động bất thường.
Chẳng hạn, tại kỳ rà soát, tổng hợp ngày 20.3 (các khoản chi phí doanh nghiệp báo cáo thực hiện từ ngày 1.2 - 28.2), nếu so sánh mức tăng, giảm chi phí tại kỳ rà soát với giá cơ sở tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11.3 do Bộ Công thương công bố thì mức tăng, giảm của khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng chiếm khoảng -1,3% đến + 0,8% (trong thời gian đó doanh nghiệp không phát sinh nhập khẩu xăng nền để pha chế xăng E5 Ron 92 và dầu hỏa); khoản Premium trong nước chiếm khoảng +0,1% đến +0,5%; khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng chiếm khoảng -1,1% đến +0,3%, tùy theo từng chủng loại mặt hàng.
Tại sao chiết khấu "bị bóp" về 0 - 100 đồng/lít?
Tuy vậy, doanh nghiệp bán lẻ đặt vấn đề: nếu không bất thường, tại sao chiết khấu "bị bóp" về 0 - 100 đồng/lít?
Trên một diễn đàn với hơn 700 doanh nghiệp bán lẻ tham gia, các doanh nghiệp cho biết mức chiết khấu ở nhiều thời điểm chỉ còn 0 - 50 đồng/lít. Chẳng hạn, ngày 5.4, kho Hải Linh, Nghi Sơn áp chiết khấu 0 đồng. Hay tại thời điểm 13h30 ngày 8.4, Công ty CP Thương mại Mộc Hóa áp dụng thù lao với xăng dầu đều 0 đồng… Đại diện doanh nghiệp đặt vấn đề: nếu chi phí không có biến động bất thường, tại sao doanh nghiệp đầu mối lại bóp chiết khấu về 0 - 100 đồng/lít cho khâu bán lẻ nhiều ngày qua và ở nhiều thời điểm trong năm 2022?
Ông G.C.T, chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh lo ngại việc Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng là “không nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp về biến động bất thường về chi phí xăng dầu” có thể gây hiểu nhầm rằng hoạt động kinh doanh xăng dầu ở các khâu đang ổn định, trong khi thực tế chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ đang rất thấp nên thua lỗ nặng nề”.
Chia sẻ với ý kiến trên, ông H.V.C, chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cho rằng, suốt nhiều tháng qua doanh nghiệp bán lẻ “khóc ròng” khi tiếp tục bị doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt chiết khấu, thậm chí chiết khấu âm, lỗ vẫn phải bán. Doanh nghiệp bán lẻ đã lên tiếng rất nhiều lần tại các cuộc hội thảo, tọa đàm, đồng thời gửi đơn thư kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính để phản ánh về tình trạng chiết khấu này. Do đó, các doanh nghiệp đầu mối phản ánh rằng không có biến động bất thường về chi phí xăng dầu là không thỏa đáng.
Theo các doanh nghiệp, thời gian qua, tại nhiều thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ chịu mức chiết khấu 0 đồng, thậm chí là âm do một số doanh nghiệp đầu mối đã chiếm trọn phần chi phí kinh doanh định mức mà đáng ra doanh nghiệp bán lẻ được hưởng. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị, việc sửa đổi Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu cần bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh bán lẻ cho doanh nghiệp.
Muốn vậy, nghị định mới cần bảo đảm một trong 3 điều kiện; hoặc phải có chi phí kinh doanh bán lẻ tối thiểu để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động ổn định trong mọi tình huống, hoặc yêu cầu tính toán tỷ lệ giá bán buôn và giá bán lẻ phù hợp (có thể quy định giá bán buôn không vượt quá 93% giá bán lẻ); hoặc cho phép doanh nghiệp bán lẻ được tự định giá bán lẻ, thay vì giao cho thương nhân phân phối và doanh nghiệp đầu mối để tránh tình trạng các doanh nghiệp này đầu tư ngoài ngành thua lỗ dẫn đến bóp chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, khi đó vòng luẩn quẩn sẽ vẫn còn.
Cùng với đó, cần cho phép điều chỉnh vào ngày thứ Ba hàng tuần, nhằm mục đích để nhà cung cấp không ngó lơ việc điều chỉnh chiết khấu và đổ thừa là các ngày cuối tuần không làm việc dẫn đến nguy cơ có lợi cho nhà cung cấp nhưng gây bất lợi cho doanh nghiệp bán lẻ. Chỉ khi có quy định cụ thể, chi tiết trong nghị định, doanh nghiệp bán lẻ mới yên tâm duy trì hoạt động. Về phía quản lý nhà nước cũng có căn cứ pháp lý rõ ràng để điều hành thị trường xăng dầu, bà Nguyễn Thị Rim, chủ một đại lý xăng dầu tại Trà Vinh kiến nghị.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị Bộ Tài chính tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về nội dung liên quan Thông tư số 104/2021/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu. Trong đó, Thông tư ghi rõ chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức từ khâu bán buôn đến khâu bán lẻ nhưng không ghi rõ tỷ lệ cụ thể ở các khâu. “Chính điều này dẫn đến doanh nghiệp đầu mối chèn ép doanh nghiệp bán lẻ bằng chiết khấu 0 đồng thời gian qua”, đại diện doanh nghiệp bán lẻ nói.