Nếu cô… còn dạy toán lớp em, em xin nghỉ giáo viên chủ nhiệm
Vũ khí của giáo viên ngoài những thứ trừu tượng như nhân cách, trình độ… còn có những thứ rất thật, đó là điểm số và xử phạt học trò.
Cuộc họp sơ kết cuối kỳ một trở nên “khốc liệt” khi đến phần xếp loại thi đua lớp học. Sau khi cô Tổng phụ trách đọc xếp loại thi đua của các lớp, tranh luận bắt đầu nổ ra.
Đầu tiên là ý kiến của đại diện giáo viên chủ nhiệm khối 6 “Sau khi có kết quả kì I, chúng tôi nhận được lời phàn nàn của rất nhiều phụ huynh, con cái họ đang học sinh giỏi, xuất sắc ở Tiểu học, nay bị tụt hạng, phần lớn do điểm môn toán thấp, kéo xuống.
Trong khi đó 100% học sinh đi học thêm toán tại trường; đề nghị cô giải thích lý do để chúng tôi còn trả lời với phụ huynh vào kì họp giữa năm sắp tới”.
Được lời, cô M. giáo viên chủ nhiệm lớp 9 phát biểu “Em cũng đồng cảm với thầy…, lớp em năm nay chỉ có 1 học sinh giỏi, 14 học sinh yếu, kém, cũng tại vì điểm toán của cô …; vì thế lớp tụt về hạng chót, bao công sức của em bám lớp từ đầu năm bỗng chốc đổ sông, đổ biển.
Nếu cô … còn dạy toán lớp em, cứ tổng kết như học kì I, em xin nhà trường cho em nghỉ giáo viên chủ nhiệm”.
Khi đồng nghiệp “tước vũ khí” của nhau!
Vũ khí của giáo viên ngoài những thứ trừu tượng như nhân cách, trình độ… còn có những thứ rất thật, đó là điểm số và xử phạt học trò.
Học trò đạt điểm nào, ghi điểm đó, vừa giúp trò tự đánh giá, vừa là “vũ khí” diệt giặc dốt của giáo viên.
Học trò vi phạm kỷ luật trong tiết học, giáo viên có quyền ghi sổ đầu bài, phản ánh hiện tượng, xếp loại giờ dạy không đạt, cùng giáo viên chủ nhiệm chấn chỉnh lớp học là cách xử phạt tối thiểu nhất.
Trước áp lực của “điểm số ảo”, ta nghe không ít chuyện bi hài mà phụ huynh gửi đến “Cô ơi, xin cô nâng điểm cho cháu, không có giấy khen thì nhà em mang mặt mo đi họp họ”; “Cả cơ quan, con ai cũng nhận thưởng, cháu không được giấy khen, chẳng biết chúng em còn dám đi làm…” v.v...
Chuyện cả lớp đều được “nhận giấy khen” hay 99% học sinh khá giỏi không còn hiếm. Vũ khí “điểm” của giáo viên đã hoàn toàn bị “tước đoạt” trước nhu cầu “sống ảo” của phụ huynh, của xã hội chạy theo “thành tích ảo”.
Bệnh thành tích đó cũng nằm trong chính “nội tâm” nhà trường, bị “trói buộc” bởi chỉ tiêu thi đua; việc đánh giá “đúng năng lực” của học trò dường như “không còn đúng”; làm thật, không còn được tôn vinh, nói cách khác vũ khí điểm số của giáo viên đã bị chính đồng nghiệp “tước đoạt”!
Có nhiều giáo viên tâm sự “Dạy xong tiết, biết lớp không đạt giờ A, nhưng vẫn cho đại giờ A, nếu giờ B lớp lại bị trừ thi đua, gặp giáo viên chủ nhiệm “ngại” lắm”.
Việc xử phạt học trò vi phạm đơn giản nhất là “ghi sổ đầu bài”, đánh giá tiết dạy đã hoàn toàn bị “tước đoạt”.
Phần đại đa số giáo viên đều tốt, thế nhưng cũng có bộ phận không nhỏ “tha hóa”, ít nhất là “tha hóa” vì thành tích của bản thân; chính vì thế, họ muốn học trò của mình có “điểm đẹp”, gây áp lực lên đồng nghiệp, góp phần làm bệnh thành tích càng trầm trọng.
Chính bản thân tự tước vũ khí của mình
Có giáo viên “cao thủ dạy thêm” từng hào hứng tâm sự: “Thời nay, đừng khắt khe với học trò; nó thích điểm cao, cứ cho nó, nó thích mình, nó đi học thêm, lợi cả đôi đường”.
Vấn đề không phải học sinh nào muốn điểm cao là được, chỉ học sinh đi học thêm thầy mới được điểm cao!
Vũ khí của “thầy giáo” trở thành “công cụ” của mình chứ không còn dùng để “diệt giặc dốt”!
Bệnh thành tích đang vô cùng trầm trọng, do chỉ tiêu thi đua, do cơ chế khen thưởng …là chủ yếu; nhưng khách quan mà nói cũng vì sự “ích kỷ” của không ít giáo viên chúng ta.
Hãy trả lại cho đồng nghiệp quyền được đánh giá trung thực học trò, cũng là cách góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thể hiện một nhà giáo tốt.