Nếu coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường, người không đeo khẩu trang nơi công cộng có bị xử phạt?
Trước thông tin Covid-19 có thể được đưa ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, coi đó là bệnh truyền nhiễm thông thường, nhiều người đặt câu hỏi: 'Việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng bệnh Covid-19 như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không khai báo y tế…sẽ thay đổi ra sao'?
Sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, Hà Nội liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Sự lây lan nhanh của dịch bệnh đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống và kinh tế của người dân.
Ngày 28/01/2022 Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, sau đó ra quyết định về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý người mắc bệnh Covid-19 tại nhà”, giúp người dân chủ động tự điều trị tại nhà, sau khi xét nghiệm âm tính trở lại, sức khỏe bình thường thì tham gia trở lại làm việc, sinh hoạt cộng đồng.
Việc tự điều trị và hồi phục trong một khoảng thời gian nhất định đã khiến hầu hết người dân có tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch, vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Huy nhận định.
Cũng theo Luật sư Đào Tơ, Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đã nêu rõ, Covid-19 được coi là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Còn theo Điểm a, khoản 1 Điều 3 của Luật này, đây được coi là “bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh”. Mọi hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bệnh Covid-19 đều được luật này và các văn bản liên quan điều chỉnh.
Đeo khẩu trang ở nơi công cộng vào thời điểm này vẫn rất cần thiết để phòng chống dịch Covid-19
Do vậy, người nào “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, bao gồm đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác” theo điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Nếu Covid-19 được xem là bệnh thông thường, không còn là dịch bệnh truyền nhiễm, được đưa ra khỏi nhóm bệnh chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng bệnh cũng có sự thay đổi. Khi đó, việc kiểm soát đối với F0, F1 như khai báo y tế, cách ly tập trung, xét nghiệm, đeo khẩu trang… có thể sẽ không bị bắt buộc nên không bị xử phạt hành chính - Luật sư Đào Tơ nhận định.
Tuy nhiên, nếu đưa Covid-19 ra khỏi nhóm A bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn xem là bệnh truyền nhiễm thì các quy định về áp dụng các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế vẫn còn nguyên giá trị. Cá nhân vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định.
Song khi đó, một số hành vi vi phạm chỉ áp dụng đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A như hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Nghị định 117/2020 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021 sẽ hết hiệu lực.
Việc coi Covid-19 là bệnh nguy hiểm hay bệnh thông thường chỉ là xác định cách thức điều chỉnh của pháp luật, còn về bản chất, đây vẫn là bệnh truyền nhiễm. Do đó, mỗi cá nhân vẫn cần thực hiện những biện pháp cần thiết như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách…
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật, cơ quan chức năng cần rà soát, ban hành các văn bản pháp lý phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới - Luật sư Tơ nhấn mạnh.