Nếu dạy riêng lẻ 3 môn Lý, Hóa, Sinh thì đổi mới sách giáo khoa vô nghĩa?
Nếu các trường dạy riêng lẻ 3 môn Lý, Hóa, Sinh thì mạch kiến thức liên kết trong bài sẽ bị mất, rời rạc. Có nghĩa là sách giáo khoa mới nhưng lại dạy theo lối cũ.
“Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 được viết theo tiến trình phát triển kiến thức chương trình mới, nó có logic riêng, nhưng hiện nay nếu các trường dạy riêng lẻ 3 môn Lý, Hóa, Sinh thì đương nhiên mạch kiến thức liên kết trong bài sẽ bị mất, sẽ bị rời rạc về kiến thức. Có nghĩa là sách giáo khoa mới nhưng các thầy cô vẫn dạy theo chương trình cũ, tức là dạy song song môn nào vẫn theo tư duy của môn đó, mất đi sự liên hệ liên môn của môn Khoa học tự nhiên. Đó là điều bất cập hiện nay.
Tiến trình bài giảng sẽ đi theo kiến thức cơ bản, kiến thức nền và phần này chúng tôi triển khai dạy chung cho cả 3 chủ đề của Lý, Hóa, Sinh, những phần tiếp theo sẽ tách ra theo chương trình riêng. Khi dạy theo phương pháp như vậy vẫn bị trái với logic viết sách ban đầu, ví dụ: Phải học phần chủ đề của Hóa trước, nó liên quan đến vấn đề về chất, vật liệu, nguyên liệu,…rồi mới sang phần vật sống, rồi vấn đề liên quan đến Vật lý như lực,…”.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai,Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Quỳnh cho biết: “Vì dạy song song nên mạch kiến thức sẽ không theo trật tự mà sang luôn phần vật sống. Có thể hiểu đơn giản mọi vật đều có sự cấu tạo từ nền tảng chất và đây là kiến thức của Hóa, lúc này học sinh sẽ được học về vật liệu là những khái niệm về Hóa một cách cơ bản trước, rồi mới phát triển tạo nên vật sống, cũng như đặc thù riêng của vật sống như thế nào,…Nhưng nếu bây giờ dạy Sinh học lên trước, học sinh chưa có được nền tảng của khái niệm vật liệu, chất,…thì đã phải học môn Sinh, và như vậy lại theo tư duy rời rạc của 3 môn học cũ, những kiến thức đáng ra phải được giải thích ở chủ đề trước và học sinh đã nắm chắc, những phần sau tiếp theo mạch logic sẽ không phải nhắc lại nữa.
Nhưng nếu bị dạy đảo ngược như vậy sẽ có những nội dung phải dùng đến thuật ngữ, những khái niệm học sinh chưa được học ở phần trước đó nhưng lại được sử dụng cho bài sau, như vậy chúng tôi phải giải quyết những “khái niệm” đó cho học sinh, giúp các em hiểu vấn đề rồi mới bắt đầu vào dạy cái mới.
Chúng tôi rất hiểu nếu dạy như vậy học sinh sẽ thiệt thòi bởi kiến thức sẽ không đi theo mạch logic chung, thầy cô cũng sẽ vất vả hơn bởi đáng ra cứ việc dạy, nhưng giờ lại phải giải quyết, xử lý những cái đối với học sinh là mới vì chưa được học ở những bài trước, nhưng lại được học ở bài sau. Đó là khó khăn cho học sinh, hơn nữa như vậy sẽ mất đi tính liên hệ từ phần này với phần kia
Nhưng nếu học sinh có được nền tảng vững chắc từ những bài trước thì đến những phần sau các em dễ tiếp nhận hơn. Có thể hiểu môn Khoa học tự nhiên có mối liên hệ với nhau, sách theo chương trình mới được viết để học sinh không bị học theo kiểu “nhồi” kiến thức, mà chủ yếu để hiểu quy luật tự nhiên, đó mới là mục đích chính quan trọng.
Ví dụ với môn Sinh, quá trình hoạt động sinh lí của cây như thoát hơi nước, và trong quá trình thoát hơi nước có nguyên lí về mặt Vật lí, và nếu học Vật lí thì học sinh sẽ hiểu điều đó, từ góc độ kiến thức Vật lí sẽ hiểu được vận hành trong cơ thể sinh vật sống cũng theo nguyên lí đó, có thể hiểu đó là sự logic với nhau.
Khi dạy song song không chỉ thiệt thòi cho học sinh, mà còn làm xáo trộn logic, đến khi các thầy cô ra đề cũng sẽ khó ra những câu hỏi tổng hợp để học sinh phải vận dụng cả kiến thức Vật lý, Hóa học và Sinh học để giải quyết vấn đề, hay một bài tập nào đó, nhưng vì dạy rời rạc nên thầy cô không thể xử lí được.
Về phần ghi chép của học sinh, nói về phần sắp xếp thì đây là một môn học, nhưng dạy theo kiểu song song thì các em phải ghi ra 3 vở khác nhau, hoặc một vở nhưng tách ra nhiều phần và sẽ dẫn đến không biết hôm này sẽ học phần nào, rồi khi ôn tập thì các phần kiến thức sẽ không liền mạch. Đó cũng là bất cập”.
Tôi chưa đủ tự tin dạy môn Khoa học tự nhiên
Cô Quỳnh nói: “Khi kiến thức bị mất logic, và cái khó của giáo viên ở đây là xử lí những vấn đề về kiến thức không liền mạch theo như chương trình cũ. Ví dụ: Môn Sinh theo chương trình cũ đến lớp 8-9 hiện hành mới có tính liên hệ nhiều so với môn học khác, có những bài học đòi hỏi phải hiểu cơ chế Vật lí, cơ chế Hóa học thì mới có thể giải thích cho học sinh, từ đó các em mới hiểu sâu xa được kiến thức mới.
Nhưng thật sự với lớp 6-7 thì tư duy vẫn còn là cơ bản, chưa có quá nhiều logic cấp cao như vậy, nên học sinh mới chỉ làm quen khái niệm, nhận biết, ở cấp độ hiểu và vận dụng cũng vẫn sơ lược, chứ chưa đòi hỏi liên hệ nhiều. Đối với chương trình cũ các thầy cô vẫn dạy rời rạc bình thường.
Khi có chương trình mới, Bộ cho phép các các trường tự quyết chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tự chủ dựa trên khả năng đáp ứng của nhà trường, vậy đương nhiên chúng tôi sẽ chọn phương án nào đó thuận lợi cho giáo viên, hơn nữa chưa trường nào có giáo viên dạy môn tích hợp, và chúng tôi cũng chưa được chuẩn bị tập huấn về chuyên môn”.
Cô Quỳnh chia sẻ: “Bản thân tôi học khối B nên nắm khá tốt về Hóa học, tôi có thể đọc lại và dạy được cấp II bởi không quá khó, nhưng với Vật lí lại khác hẳn, và chúng tôi chưa được đào tạo để dạy môn đó, nên cũng không bao giờ “mạo hiểm” không tự tin để dạy. Tôi đã dạy lớp 6 khá lâu, có thể kiến thức với các em học sinh còn rất sơ lược, nhưng điểm đặc biệt của lớp 6 là các em hỏi rất nhiều, và nếu không chắc kiến thức thì phát ngôn của tôi sẽ không chuẩn, dẫn đến sai lệch về định hướng kiến thức cho học sinh.
Tôi có đi dự giờ Lý, Hóa và tôi cũng có kiến thức về Hóa nhưng cách dạy và truyền đạt để làm sao cho chuẩn từ chuyên môn, cho đúng với yêu cầu của môn học thì lại là một câu chuyện khác, việc này cần phải có thời gian, được bồi dưỡng, được học, rèn luyện. Hơn nữa hiện nay nếu một giáo viên dạy được hết các phân môn của môn Khoa học tự nhiên thì sẽ bị quá nhiều tiết trong một tuần, ví dụ 1 tuần của khối 6 có 4 tiết dạy môn Khoa học tự nhiên, và nếu chỉ có một thầy cô dạy Sinh thì sẽ phải dạy hết tất cả phần Sinh của khối khác nữa, như vậy số lượng tiết trong tuần sẽ là khủng khiếp. Tôi nghĩ vấn đề về số lượng tiết dạy của một giáo viên cũng đáng để lo lắng khi triển khai dạy môn này, với những trường đang thiếu giáo viên dạy môn Sinh thì đương nhiên sẽ phải đối mặt với việc đó.
Hiện nay chúng tôi đang cố gắng để năm học tới có thể đảm nhiệm dạy môn Khoa học tự nhiên, thời gian đầu có thể mình cân nhắc nhiều tình huống về việc sắp xếp của nhà trường, nhưng sau khi trao đổi lại với tổ chuyên môn tôi thấy trong quá trình triển khai dạy có quá nhiều bất cập, suy cho cùng sẽ là thiệt thòi với học sinh. Vậy nên ngoài việc hiện nay có một số thầy cô tự đi học chứng chỉ, và chúng tôi đang cố gắng học hỏi, trao đổi liên tục với nhau về các phân môn để làm sao năm học tới có thể tự tin đứng lớp dạy tất cả, chứ không thể dạy song song như hiện nay”.
Cô Quỳnh nhận định: “Thời điểm hiện nay các thầy cô đang triển khai tập huấn Modun khá nhiều nên có thể nói là rất bận, lại trong thời gian đang dạy học trực tuyến như hiện nay tôi thấy khó mà hiệu quả được, thời gian bồi dưỡng chứng chỉ cũng ngắn, hơn nữa học trong lúc các thầy cô vẫn phải làm việc, như vậy sẽ bị phân tâm. Đã học phải hiệu quả, phải đầu tư thời gian chăm chút nghiêm túc.
Có học có hơn, nhưng cho dù có bồi dưỡng chứng chỉ ở đâu đi nữa thì sau đó các thầy cô vẫn phải tự bồi dưỡng thêm về mặt kiến thức, kĩ năng giảng dạy cho mình, sau đó phải “dấn thân” vào dạy thật trên lớp, phải chấp nhận mình dạy ban đầu chưa hay, và có vấn đề gì cũng phải chấp nhận, rồi từ đó mới vỡ ra và rút kinh nghiệm cho những tiết học sau. Tôi thấy nhiều thầy cô hiện nay chưa đi học bởi còn đang “nghe ngóng” điều này điều kia, chỉ nói về lí thuyết rồi lo lắng e dè,…như vậy cũng không giải quyết được điều gì mà nên bắt tay vào học một cách nghiêm túc”.