Nêu đích danh các cơ quan 'nợ' văn bản
Theo báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, năm 2024, có 79 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; còn 147 điều, khoản thuộc 21 luật giao quy định chi tiết chưa được ban hành. 'Địa chỉ' chậm đã được nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 16-4, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội năm 2024.
Báo cáo nêu, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của một số cơ quan vẫn còn chủ yếu dựa trên báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, phản ánh của địa phương, doanh nghiệp; chưa chủ động phát hiện, kịp thời kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý đối với văn bản có nội dung chưa phù hợp và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến UBTVQH theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn 35 nội dung quy định chi tiết thi hành của 14 luật, 2 pháp lệnh thuộc kỳ giám sát năm 2023 chưa được ban hành, trong đó có nội dung đã “nợ đọng” hơn 10 năm và đã nhiều lần kiến nghị; có 4 VBQPPL có nội dung quy định không phù hợp, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu dự phiên họp
Năm 2024, có 79 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; còn 147 điều, khoản thuộc 21 luật giao quy định chi tiết chưa được ban hành. Trong đó, Chính phủ chậm hướng dẫn 97 điều, khoản của 12 luật; Thủ tướng Chính phủ 2 điều, khoản của 2 luật; Tòa án nhân dân tối cao: 14 điều, khoản của 2 luật; Bộ Xây dựng: 13 điều, khoản của 1 luật; Bộ TT-TT: 10 điều, khoản của 3 luật; Bộ Y tế: 3 điều, khoản của 3 luật; Bộ Quốc phòng: 3 điều, khoản của 2 luật; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: 2 điều, khoản của 2 luật; Bộ Công Thương: 1 điều, khoản của 1 luật; Bộ Nội vụ: 1 điều, khoản của 1 luật; Bộ Công an: 1 điều, khoản của 1 luật.

Đại biểu dự phiên họp
Nhìn chung, các VBQPPL được ban hành cơ bản bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH. Tuy nhiên, qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã chỉ ra 3 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, 3 văn bản, 22 nội dung chưa phù hợp, chưa được quy định cụ thể, có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Vẫn còn 3 văn bản ban hành chưa đúng thẩm quyền, 16 văn bản được ban hành nhưng chưa thực hiện đăng công báo đúng thời hạn.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác lập pháp, tăng cường hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với VBQPPL; có cơ chế hiệu quả để bảo đảm thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát; đồng thời xem xét cho phép thực hiện báo cáo kết quả giám sát VBQPPL theo năm và 6 tháng.
Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan trong năm 2025, nghiêm túc thực hiện và bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH năm 2025; chủ động nghiên cứu các nội dung cần quy định chi tiết ngay từ quá trình nghiên cứu, dự thảo luật để đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, điều hòa hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết để bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/neu-dich-danh-cac-co-quan-no-van-ban-post790949.html