'Nếu đồng nghiệp vì áp lực mà chuyển khoa, tôi không giữ'

Bác sĩ là người chứng kiến và nỗ lực níu kéo sự sống cho bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn. Nếu không thành công, đó là những ám ảnh khôn nguôi hàng đêm.

Ngưng hô hấp tuần hoàn là cấp cứu tối khẩn với bác sĩ. Thông thường, diễn tiến của bệnh nhân rất nhanh, đột ngột. Họ có thể tử vong nếu không được xử trí cấp cứu đúng cách và kịp thời. Chính vì đặc thù công việc này, bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu luôn đối mặt nhiều áp lực.

Zing có cuộc trò chuyện với thạc sĩ, bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), về những ca cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn và áp lực của bác sĩ hiện nay.

 Bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức. Ảnh: B.Huệ.

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức. Ảnh: B.Huệ.

Phía trước là mạng sống, trên vai là niềm tin

- Đặc thù công việc thường tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nặng lẫn nhẹ, trường hợp cấp cứu nào khiến anh và các đồng nghiệp sợ và ám ảnh nhất?

- Với bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu, đặc thù công việc thường khá vất vả và dồn dập hơn, đỉnh điểm là thời gian gần nửa đêm đến gần sáng hôm sau. Các ca bệnh thường gặp là đau bụng, đau ngực, khó thở, tai nạn giao thông...

Những đêm nhiều ca nặng cần xử lý gấp, chúng tôi làm việc tăng cường 200% công suất để chạy đua với thời gian vì tính mạng của người bệnh, trên vai gánh thêm niềm tin của thân nhân.

Những trường hợp như ngưng tim, ngưng thở, chỉ cần chậm trễ một phút, tính mạng bệnh nhân có thể không giữ được. Đây cũng là một trong những ca cấp cứu tối khẩn khiến chúng tôi căng não và ám ảnh nhất.

Tình trạng ngưng tim, ngưng thở có thể xảy ra đột ngột trên trái tim hoàn toàn khỏe mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương…, hoặc ở những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, huyết áp, đột quỵ.

Não sẽ bị tổn thương khi người bệnh ngưng hô hấp tuần hoàn trên 4 phút. Nếu trên 10 phút, bệnh nhân thường tử vong. Nếu sống, bệnh nhân sẽ bị di chứng não nặng nề. Chính vì vậy, ngưng hô hấp tuần hoàn là tình huống cấp cứu cần can thiệp ngay không được trì hoãn.

Cách đây 5 ngày, một bệnh nhân Trung Quốc qua đời do cơn đột quỵ, tôi chưa quên được. Khoảnh khắc người đàn ông được đưa thẳng vào phòng cấp cứu, ánh mắt bất lực từ đồng nghiệp của bệnh nhân, người thân duy nhất tại Việt Nam, sau cánh cửa cấp cứu khiến chúng tôi lạnh người.

Bệnh nhân 60 tuổi này ngưng hô hấp tuần hoàn tại nhà. Vì quá bối rối, người đồng nghiệp không giữ được bình tĩnh để làm theo y lệnh của nhân viên cấp cứu. Khi các bác sĩ tiếp cận được, người đàn ông đã ngưng hô hấp tuần hoàn.

Bác sĩ là người chứng kiến và nỗ lực níu kéo sự sống cho bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở. Nếu không thành công, đó là những ám ảnh.

- Tỷ lệ sống và khả năng hồi phục của người bị ngưng tim, ngưng thở phụ thuộc vào yếu tố nào?

- Khả năng người bệnh hồi phục tuần hoàn và tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào chất lượng cấp cứu hồi sức, gồm: Thời gian phát hiện và xác định người bệnh ngưng hô hấp tuần hoàn; chất lượng cấp cứu ấn tim, thông khí; khả năng sốc điện; nguyên nhân gây ra ngưng hô hấp tuần hoàn và khả năng đảo ngược nguyên nhân này; loại thuốc sử dụng; hồi sức sau khi người bệnh hồi phục hô hấp tuần hoàn. Đây là các yếu tố quyết định đến tỷ lệ sống còn của người bệnh.

Tỷ lệ sống còn của người bệnh ngưng hô hấp tuần hoàn trước khi đến viện theo các nghiên cứu trên thế giới là khoảng 20%. Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức cũng tương tự.

 Bác sĩ cấp cứu luôn trong trạng thái chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân nguy cấp. Ảnh: Shutterstock.

Bác sĩ cấp cứu luôn trong trạng thái chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân nguy cấp. Ảnh: Shutterstock.

- Khi người bệnh đột ngột ngưng tim, ngưng thở được chuyển vào khoa Cấp cứu, quy trình xử lý diễn ra như thế nào?

- Quy trình cấp cứu trường hợp người bệnh là người lớn đột ngột mất ý thức nghi ngờ ngưng hô hấp tuần hoàn, chúng tôi thực hiện cấp cứu theo 3 bước.

Bước 1: Xác định tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn:

- Người bệnh bất tỉnh lay gọi không đáp ứng

- Người bệnh không thở hoặc thở ngáp

- Bắt mạch cảnh trong 5-10s ghi nhận không có mạch

Bước 2: Kích hoạt hệ thống cấp cứu:

- Nhân viên tiếp nhận lập tức gọi đồng nghiệp hỗ trợ và chuẩn bị máy máy sốc điện.

Bước 3: Tiến hành hồi sức tim phổi cơ bản và nâng cao:

- Ấn tim, bóp bóng đến khi có người hỗ trợ sẽ chuyển sang cấp cứu tim phổi nâng cao bằng cách: tiếp tục ấn tim - bóp bóng, sốc điện nếu có chỉ định, lập đường truyền, theo dõi nhịp tim, sử dụng thuốc cấp cứu, thiết lập đường thở nâng cao (nếu có chỉ định), tìm và đảo ngược nguyên nhân gây ngưng hô hấp tuần hoàn.

Tùy trường hợp nhưng thường sau khoảng 30 phút hồi sức, nếu người bệnh không có dấu hiệu hồi phục tuần hoàn tự nhiên, chúng tôi sẽ quyết định ngưng hồi sức.

Áp lực của bác sĩ khoa Cấp cứu

- Áp lực mà bác sĩ cấp cứu phải mang trên vai khi tiếp nhận những trường hợp này?

- Bác sĩ khoa Cấp cứu ngoài chuyên môn cần đảm bảo về mặt thể chất, cảm xúc, tinh thần vì đây là môi trường rất áp lực. Áp lực với chính năng lực bản thân, rồi đồng nghiệp, thân nhân và bệnh nhân.

Do đó, chúng tôi thường xuyên chơi thể thao, tổ chức các buổi gặp mặt, đi chơi sau giờ làm việc và dịp nghỉ lễ.

Tôi luôn mong muốn tạo sự kết nối và gắn kết đồng nghiệp và giúp nhau giảm tải áp lực. Đặc biệt, những buổi gặp mặt là dịp giải quyết các vấn đề cá nhân và động viên nhau để tốt hơn trong công việc và cuộc sống.

Không chỉ là trưởng khoa, tôi cũng đàn anh đi trước nên kỳ thực, nếu đồng nghiệp vì áp lực mà chuyển khoa, tôi không giữ.

 Bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cấp thường đối mặt nhiều áp lực tâm lý. Ảnh minh họa: Runstudio/Getty.

Bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cấp thường đối mặt nhiều áp lực tâm lý. Ảnh minh họa: Runstudio/Getty.

Khi cảm xúc của đồng nghiệp không cho phép họ phù hợp với công việc cấp cứu, tôi sẽ khuyên họ chuyển sang chuyên khoa phù hợp nhằm giúp đồng nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn.

- Không chỉ đối mặt áp lực tâm lý từ người nhà và nguy cơ bị hành hung, chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ cấp cứu hiện nay dường như chưa tương xứng?

- Do tính chất công việc nên ngoài yêu cầu về chuyên môn, bác sĩ cấp cứu cần có sức khỏe thể chất, tinh thần, cảm xúc để làm đúng và thực hiện tốt công việc của mình. Việc bị hành hung là hành động không thể chấp nhận được vì nhân viên y tế là người cứu chữa bệnh nhân.

Khi xảy ra vấn đề này, tôi nghĩ có 2 nguyên nhân. Tình huống đầu tiên thường ít gặp là bộ phận nhân viên y tế chưa thực hiện đúng công việc của mình. Nguyên nhân thứ 2 thường gặp hơn đến từ chính bệnh nhân, thân nhân người bệnh khi họ không hiểu vấn đề, không giữ được bình tĩnh…, nên xảy ra những tình huống như vậy.

Theo tôi, bác sĩ khoa cấp cứu ngoài chuyên môn, yêu nghề cần có sức khỏe và khả năng quản lý cảm xúc tốt. Xã hội và ngành y tế cần hiểu hơn về vai trò của cấp cứu và có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu để họ yên tâm làm việc.

15 giờ nỗ lực đưa bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền Sau 15 giờ, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng) đã đưa 2 bệnh nhân nặng từ đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa, về đất liền cấp cứu.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/neu-dong-nghiep-vi-ap-luc-ma-chuyen-khoa-toi-khong-giu-post1154654.html