'Nếu dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường có 'bước lùi', tôi sẽ báo cáo Quốc hội'

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định dự Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ được tiếp thu, hoàn thiện, nếu còn quy định nào có 'bước lùi', ông sẽ báo cáo Quốc hội không đưa nội dung đó vào Luật.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc trao đổi với các chuyên gia xoay quanh một số nội dung còn quan điểm khác nhau về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi chiều 5/11.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc trao đổi với các chuyên gia xoay quanh một số nội dung còn quan điểm khác nhau về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi chiều 5/11.

Chiều ngày 5/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc trao đổi với các chuyên gia xoay quanh một số nội dung còn quan điểm khác nhau về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi.

Bộ trưởng Hà thông tin, chiều ngày 5/11, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội một số nội dung của dự thảo luật để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện.

“Dự án luật nhiều nội dung đột phá được đưa vào nên còn nhiều quan điểm khác nhau là bình thường. Tuy nhiên vì để có một bộ luật bảo vệ môi trường chất lượng nhất nên cơ quan soạn thảo vẫn tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự luật. Quan điểm của tôi là nếu dự thảo Luật còn quy định nào có “bước lùi”, với tư cách bộ trưởng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội để không đưa nội dung đó vào luật”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, vừa qua có ý kiến kiến nghị về vấn đề công khai thông tin, tham vấn cộng đồng trong thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đến nay các nội dung này đã tiếp thu, quy định cụ thể tại dự thảo.

“Cụ thể tại điều 33 quy định thể về vấn đề tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM. Trong đó quy định rõ đối tượng tham vấn, trách nhiệm của chủ dự án, nội dung tham vấn, công bố thông tin tham vấn. Hay tại Điều 37, 38 quy định về trách nhiệm công khai ĐTM của chủ đầu tư, của cơ quan thẩm định. Riêng vấn đề trình tự, thủ tục, thời điểm, hình thức công khai ĐTM tại Điều 114, dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết”, ông Thịnh cho hay.

Về ý kiến chuyên gia đề nghị cần công khai thành viên hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, Bộ trưởng Hà cho biết, công khai các thành viên hội đồng thì không sao cả, nhưng có người nói gắn trách nhiệm với thành viên của hội đồng thì điều này liệu cơ quan nhà nước có khó khăn để mời được chuyên gia tham vấn và hội đồng rất nhiều người, sẽ quy trách nhiệm như thế nào?

Do đó, theo Bộ trưởng Hà, cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về thành lập hội đồng, mời thành viên hội đồng, còn hội đồng chỉ có chức năng tư vấn cho cơ quan nhà nước.

Trước ý kiến này, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho rằng những nhà khoa học chân chính, bản lĩnh sẽ không sợ công khai tên tuổi của mình khi tham gia hội đồng thẩm định.

“Quy định như vậy thì khi được mời tham gia hội đồng họ sẽ có trách nhiệm hơn khi đưa ra các đánh giá của mình. Tôi được biết, hiện nay có nhiều trường hợp ngồi nhầm hội đồng, nhất ở các địa phương, cứ thế ngồi vào rồi gật đầu thông qua”, TS Hoàng Dương Tùng nêu thực tế.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, báo cáo để nghiên cứu giao cho Chính phủ quy định định chi tiết.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/neu-du-thao-luat-bao-ve-moi-truong-co-buoc-lui-toi-se-bao-cao-quoc-hoi-20201105223305214.htm