Nếu F1 nghỉ hết, ai làm việc?

Doanh nghiệp cho rằng cách ly F1 là 'tàn dư' của tư duy Zero Covid mà Việt Nam đã bỏ từ cuối năm 2021. Với tỷ lệ tiêm chủng cao như hiện nay, F1 cần được đi làm bình thường.

“Nếu F1 nghỉ hết thì ai làm việc?”, bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH New Toyo (TP.HCM), thẳng thắn nêu quan điểm và cho biết trên thực tế doanh nghiệp này đã và đang cho F1 đi làm trực tiếp tại công xưởng.

Bà Quân cùng nhiều doanh nghiệp ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc cho F1 âm tính đi làm bình thường, tăng cường 5K; F0 vẫn nên cách ly và có thể làm việc trực tuyến nếu được.

Sẵn sàng hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho nhân viên

Thực tế, doanh nghiệp của bà Quân đã cho phép F1 tại cả khối nhà máy và khối văn phòng đi làm trực tiếp từ nhiều tháng nay. Tất cả nhân viên phải tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang khi làm việc, nhà ăn có vách ngăn. Nếu nhân viên thấy có triệu chứng thì công ty sẽ phát kit test nhanh để kiểm tra trước khi vào vị trí làm việc.

Nữ doanh nhân này cho biết việc cách ly F0, F1 ảnh hưởng không nhỏ đến công ty bởi hầu hết vị trí phải đào tạo 1-2 năm mới “ra thợ”. Các công việc đều đòi hỏi kỹ năng cao nên không phải cứ có người nghỉ là lập tức tìm được nhân sự thay thế.

 Công ty TNHH New Toyo đã cho nhân viên là F1 đi làm trực tiếp từ nhiều tháng nay. Ảnh: Đ.X.

Công ty TNHH New Toyo đã cho nhân viên là F1 đi làm trực tiếp từ nhiều tháng nay. Ảnh: Đ.X.

Sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron và việc học sinh đi học lại khiến số F0 tại công ty bà Quân liên tục tăng. Bà nói vui rằng đến nay, trong gần 140 người lao động của công ty, khoảng 70% đều đã có “kinh nghiệm làm F0”.

Với F0 là nhân viên văn phòng, nếu triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì vẫn có thể làm việc trực tuyến và nhận 100% lương. Còn F0 là công nhân làm việc tại nhà máy thì được bảo hiểm xã hội (BHXH) trả lương theo quy định.

Zing đặt ra tình huống nếu Nhà nước cho phép F0 được đi làm trực tiếp (nếu không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ), doanh nghiệp và người lao động có sẵn sàng? Bà Quân cho rằng việc này tùy thuộc vào thỏa thuận giữa công ty và người lao động. Tuy nhiên, hiện, người lao động vẫn được BHXH trả 75% lương nếu nghỉ việc do mắc Covid-19, tức không đi làm vẫn được nhân lương.

“Với cơ chế hiện tại thì ai cũng chọn phương án nghỉ ở nhà cho khỏe. Nếu Nhà nước muốn F0 đi làm thì phải thay đổi cả chính sách này mới có thể khả thi”, bà nêu vấn đề.

 Nhân viên Công ty PouYuen xếp hàng test nhanh tầm soát trước khi vào làm việc, ảnh chụp hồi tháng 6/2021. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhân viên Công ty PouYuen xếp hàng test nhanh tầm soát trước khi vào làm việc, ảnh chụp hồi tháng 6/2021. Ảnh: Duy Hiệu.

Cùng quan điểm, đai diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Tân) cho biết đơn vị đang thiếu lượng lớn lao động. Hiện, doanh nghiệp này vẫn yêu cầu công nhân là F0, F1 tự cách ly theo quy định để hạn chế lây nhiễm.

“Nếu Nhà nước cho phép F0, F1 làm việc thì chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện, không gặp khó khăn gì”, ông nói.

Vị này chia sẻ nếu F1 đi làm thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể hỗ trợ chi phí xét nghiệm vào các ngày 3, 5, 7 để đảm bảo an toàn, quản lý chặt chẽ, sắp xếp khu vực ăn uống riêng biệt. Bản thân người lao động là F1 cũng muốn đi làm bởi ở nhà thì mất nhiều quyền lợi hơn, trong khi với chủng mới, các triệu chứng không quá nặng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ khó có thể sắp xếp khu vực làm việc riêng cho các công nhân này. Bởi lẽ, PouYuen sản xuất theo dây chuyền liên tục từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, không phải theo từng công đoạn. Do vậy, giải pháp phù hợp nhất với doanh nghiệp này hiện nay vẫn là F0 tự cách ly và F1 đi làm với sự quản chế chặt chẽ.

Cách ly F1 là tàn dư của tư duy Zero Covid

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, thì cho rằng nên dứt khoát bỏ luôn khái niệm F1. Việc cách ly F1 ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt sau khi Việt Nam mở cửa du lịch vào 15/3 tới.

“Suy nghĩ cách ly F1 chỉ phù hợp với năm 2020, khi chưa ai tiêm mũi nào hết. Nhưng nay là 2022 rồi và nhiều người đã tiêm mũi 3, thậm chí mũi 4. Cách ly F1 gì nữa! Suy nghĩ đó rất thiển cận và lạc hậu. Nó khiến toàn bộ cố gắng của Chính phủ trong tiêm vaccine đổ xuống sông xuống biển hết”, ông Kỳ mạnh mẽ nêu quan điểm. Vị này mạnh mẽ đề nghị bãi bỏ cách gọi F1 và coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như nhận định của Thủ tướng.

 Chuyến bay quốc tế vẫn vắng khách khiến nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng về khả năng phục hồi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chuyến bay quốc tế vẫn vắng khách khiến nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng về khả năng phục hồi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tại Việt Nam, số liệu năm 2019 cho thấy 7,8 triệu người đang sống chung với viêm gan B và gần một triệu người đang sống chung với viêm gan C. Viêm gan B và C là loại bệnh truyền nhiễm gây ra gần 80.000 ca ung thư gan và 40.000 ca tử vong mỗi năm, theo WHO.

“Số người chết vì viêm gan còn nhiều hơn vì Covid-19, nhưng chúng ta có biết một ngày bao nhiêu người mắc không? Người tiếp xúc gần có phải cách ly không? Nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như vậy và không nên đếm số ca từng ngày nữa”, ông Kỳ dẫn chứng.

Vị này cho rằng Việt Nam cần tập trung vào tăng diện phủ vaccine, tăng số người được chữa khỏi, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Đây là 4 chỉ số cần công bố, còn số ca mắc chỉ nên theo dõi mang tính chất tham khảo nhằm dự báo, quy hoạch y tế cộng đồng, thuốc.

Ông Kỳ gọi việc cách ly F1 là “tàn dư” của tư duy Zero Covid mà Việt Nam đã từ bỏ. Việt Nam hiện đã xác định sống thích ứng linh hoạt, an toàn thì nên từng bước đưa Covid-19 thành bệnh đặc hữu và dứt khoát bỏ việc cách ly F1.

Ở góc độ chuyên môn, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM, ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế. Bà đặt vấn đề từ sau Tết đến nay, ngày nào Bộ Y tế cũng công bố hàng chục, trăm nghìn ca nhiễm, nhưng đây mới chỉ là số F0 phát hiện qua xét nghiệm PCR. Thực tế, nếu qua test nhanh thì số ca nhiễm có thể gấp 10 lần. Thế nhưng, các bệnh viện chưa thấy “kêu” quá tải hay thiếu oxy, máy thở như năm 2021.

Việt Nam không có thống kê số ca Covid-19 phát hiện qua test nhanh mà chỉ có số ca ghi nhận qua test PCR. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Singapore, số lượng xét nghiệm nhanh gấp 8-10 lần số xét nghiệm PCR được thực hiện. Điều này cho thấy tỷ lệ người nghi nhiễm trong cộng đồng có thể cao hơn nhiều trường hợp được ghi nhận (Singapore chỉ thực hiện test PCR với người có triệu chứng nặng).

Số lượng xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh trung bình theo tuần của Singapore (Dữ liệu: Data.gov.sg)

Bác sĩ Phúc cho rằng hiện chỉ có các trạm y tế cơ sở than quá tải. Tuy nhiên, bà cho rằng quá tải y tế cơ sở là do thủ tục giấy tờ gây ra, chứ không phải bệnh nhân gây ra. Bệnh nhân đến trạm y tế xã/phường hầu hết để xin xác nhận F0 để đi làm/đi học hoặc xin nghỉ việc.

“Chúng ta đang làm mọi chuyện rối lên. Chúng ta vẫn đòi F0, F1 đi làm, đi học phải có giấy. Muốn mua thuốc đòi xác nhận F0, bác sĩ kê đơn. Bệnh nhân xếp hàng dài ở trạm y tế chỉ để chờ giấy, đâu phải để nằm điều trị, cán bộ thì áp lực", bà cho hay.

Chuyên gia cho rằng cách làm đơn giản là ai nhiễm thì tự xét nghiệm, quay video clip rồi gửi cho nhà trường, cơ quan để thông báo. Nếu dương tính thì nghỉ việc, nếu âm tính thì đi làm. Bác sĩ này cho rằng việc cần làm là tập trung vào nhóm yếu thế, người già, người có bệnh nền để có biện pháp bảo vệ nhóm này, giảm tử vong.

Trước băn khoăn của Bộ Y tế về tình hình dịch khác biệt lớn giữa các địa phương, bác sĩ Phúc đề nghị Bộ nên đánh giá kỹ và chính xác tỷ lệ tiêm, nếu trên 90% người dân tiêm đủ mũi thì có thể coi Covid-19 là bệnh thông thường. Còn với 100 triệu dân và tỷ lệ nhiễm tăng cao như hiện nay, Bộ Y tế “muốn quản cũng không quản nổi".

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-ly-f1-la-tan-du-zero-covid-post1300801.html