Nếu giảm tỷ lệ đóng BHXH về mức 14 năm trước, lương hưu sẽ thấp
Vừa qua, 13 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động cần đưa về mức đóng của năm 2009. Tuy vậy, nếu giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng, mức lương hưu cũng sẽ thấp hơn, không đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động.
Luật BHXH hiện hành quy định mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào các Quỹ BHXH là 25,5%, bao gồm quỹ thành phần Hưu trí tử tuất 22%, Ốm đau thai sản 3% và 0,5% vào quỹ Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp; 4,5% vào Quỹ Bảo hiểm y tế và 2% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng mức đóng 32% tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng BHXH.
Đề xuất tỷ lệ đóng BHXH quay về mức 14 năm trước
Tuy vậy, trong văn bản mới đây, 13 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng tổng mức đóng cao, kiến nghị giảm còn 24%. Trong đó, tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 19,5% (Hưu trí tử tuất 16%; Ốm đau thai sản 3%, Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 0,5%). Tỷ lệ đóng các quỹ còn lại gồm Bảo hiểm y tế 3% và Bảo hiểm thất nghiệp 1%.
Tỷ lệ đóng vào Quỹ BHXH theo đề xuất của các hiệp hội được áp dụng trước năm 2009, thời điểm một số quy định của Luật BHXH 2006 chưa có hiệu lực. Luật quy định từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần, lao động đóng thêm 1% mức tiền lương, tiền công vào Quỹ Hưu trí tử tuất cho đến khi đạt 8% và chủ sử dụng 14%.
Theo các hiệp hội, Việt Nam cần xem xét tổng thể việc quản lý một cách hiệu quả quỹ BHXH cũng như cách tính trượt giá nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung để tuy giảm tỷ lệ đóng BHXH nhưng vẫn đảm bảo lương hưu thực tế của người lao động đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng cơ quan chức năng nên xem xét kiến nghị của các hiệp hội, song phải tính toán tránh mất cân đối quỹ.
"Ai cũng mong muốn đóng BHXH thấp nhưng sau này về hưu, người lao động sẽ có lương thấp do nguyên tắc đóng - hưởng, rất khó duy trì cuộc sống. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp và người lao động cần cố gắng duy trì mức đóng hiện tại", ông Huân nêu rõ.
Ông Huân chia sẻ nếu so sánh mức đóng BHXH phải đưa ra ví dụ cùng mô hình, cùng điều kiện phát triển. Việt Nam có mức hưởng lương hưu xác định trước (tối đa 75%) nên mức đóng phải đuổi theo để cân bằng. Các nước theo mô hình của Việt Nam cũng không hưởng tỷ lệ lên tới 75% mà chỉ khoảng 60%. Tuy vậy, mặt bằng tiền lương của họ cao hơn.
Cũng theo ông Huân, nhiều chuyên gia đều đánh giá Việt Nam đang "hào phóng" với chế độ lương hưu khi tỷ lệ hưởng cao nhất. Ông Huân cũng nhận định, nhiều người muốn đóng BHXH trên tổng thu nhập song thu nhập không ổn định, nhiều khoản "mềm" có biến động. Do đó, mức đóng BHXH hằng tháng dựa trên khoảng 70% thu nhập (khoản cứng) là hợp lý, đảm bảo lương hưu tốt, không quá ảnh hưởng đến nhu cầu hiện tại.
Tỷ lệ đóng cao nhưng dựa vào mức thu nhập nào?
Trong khi đó, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho rằng việc giảm tỷ lệ đóng góp của người sử dụng lao động vào thời điểm hiện tại là không phù hợp.
Thực tế bình quân lương hưu của người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, ít người nhận được mức lương hưu 5 triệu đồng/tháng. Nguyên tắc của chế độ hưu trí là đóng ít hưởng ít, đóng cao hưởng cao. Vì vậy nếu giảm tỷ lệ đóng thì lương hưu sẽ kéo thấp hơn nữa.
Ông Triều cho rằng điều cần thiết phải khắc phục hiện nay là quy định mức đóng để nâng mức nền làm căn cứ đóng BHXH. Bởi vì tỷ lệ đóng hiện nay tuy cao nhưng quan trọng là tỷ lệ đó đang dựa trên mức thu nhập nào?
Thực tế, lâu nay, phần lớn doanh nghiệp vẫn dùng hai bảng lương: một bảng lương thực tế với số tiền thực nhận của người lao động và bảng lương thứ hai dùng để đóng BHXH. Với bảng lương để đóng BHXH, doanh nghiệp thường chọn mức thấp nhất mà pháp luật quy định. Thế nên dù tỷ lệ đóng cao nhưng mức đóng vẫn thấp và lương hưu rất thấp.
Do đó, chỉ khi nào quản lý được bảng lương thì mới tính đến chuyện thay đổi tỷ lệ đóng. Điều này cần phải có một quá trình để điều chỉnh và thay đổi.
Hơn nữa, hiện nay, ý thức của người dân và cả doanh nghiệp đều chưa tốt khi theo quy định, phần đóng góp từ doanh nghiệp cao hơn so với phần đóng góp của người lao động nhưng vẫn xảy ra tình trạng người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp để đóng mức thấp. Tất nhiên, việc này sẽ giúp người lao động có khoản thu nhập trước mắt cao hơn.
Nhiều quy định khác ở các nước khó áp dụng cho Việt Nam như ở một số nước các chế độ ngắn hạn như thai sản, ốm đau... giao cho doanh nghiệp chi trả. Hiện, các chế độ này ở Việt Nam đều thu về một đầu mối là cơ quan BHXH nhưng việc quản lý đã rất khó khăn, nếu phân chia ra nhiều đầu mối thì sẽ rất khó quản lý hơn nữa. Chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp không thực hiện chi trả thì lại xảy ra tranh chấp và cơ quan chức năng lại phải giải quyết tranh chấp.
Lương hưu còn thấp
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2022, tiền lương căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động tăng dần từng năm, từ mức 4,3 triệu đồng/tháng năm 2016 lên 5,73 triệu đồng/tháng năm 2022, song tỷ lệ tăng các năm có xu hướng giảm dần (năm 2017 tăng 6,91%, 2018 tăng 10,92%, 2019 tăng 5,2%, 2020 tăng 4,74%, 2021 tăng 1,45% và 2022 chỉ tăng 0,55%).
Từ mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nêu trên và qua một số cuộc khảo sát về về mức lương và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp cho thấy còn khoảng cách khá xa giữa mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với mức tiền lương và thu nhập thực tế mà người lao đông được nhận. Tại nhiều doanh nghiệp, con số này chỉ chiếm 50% - 60%. Hệ quả là với mức đóng BHXH thấp, lương hưu của người lao động sẽ có khoảng cách rất lớn so với mức tiền lương và thu nhập thực tế khi đang làm việc.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng đề xuất của các hiệp hội không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn hiện nay của Việt Nam. Nước ta có tỷ lệ đóng BHXH cao so với một số nước trong khu vực, song tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, tương ứng 30 năm tham gia BHXH với nữ và 35 năm với nam, cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Như vậy, tỷ lệ tích lũy cho mỗi năm đóng BHXH khoảng 2,14% với nam và 2,5% với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ được tính 1% và bình quân của thế giới là 1,7%.
Theo nguyên tắc thì tỷ lệ đóng cao sẽ hưởng cao, nhưng lương hưu thực tế của người lao động ở nước ta lại thấp, bình quân hiện chỉ đạt 5,4 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân là dù pháp luật hiện hành quy định tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Song, nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH, dẫn đến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH rất thấp và lương hưu thấp.
Theo ông Cường, nếu giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng, khiến mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động sẽ thấp hơn so với mức hưởng hiện hành. Khi đó, mức lương hưu cũng sẽ thấp hơn, không đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động.